Tâm điểm
Bùi Minh Đức

3 "nút thắt" trong vấn đề quấy rối tình dục

#Metoo được đánh giá là một trong những phong trào xã hội có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất toàn cầu trong thời điểm những năm 2016-2017. Không khó để hiểu lý do tại sao. Sự xuất hiện của #Metoo như một chiếc phao cứu sinh để nhiều người - phần lớn là phụ nữ, bám vào trên hành trình đấu tranh cho nạn nhân của quấy rối tình dục. 

Quấy rối tình dục phổ biến hơn công chúng tưởng tượng rất nhiều, từ các số liệu thống kê chính thống cho đến những câu chuyện chia sẻ trong các nhóm bạn bè. Tôi từng ngồi với một nhóm khoảng 6-7 người bạn thân và một câu hỏi được đưa ra để chia sẻ: "Ai ngồi ở đây từng là nạn nhân của quấy rối tình dục?"

Tất cả đều giơ tay, trong số đó có 2-3 người là nam giới. 

3 nút thắt trong vấn đề quấy rối tình dục - 1

Vấn đề quấy rối tình dục như tảng băng chìm nhưng đến 9 phần chìm (Ảnh minh họa: Canva)

Phổ biến như vậy nhưng vấn đề quấy rối tình dục như tảng băng chìm nhưng đến 9 phần chìm. Để đưa câu chuyện quấy rối tình dục tới hồi kết, có ít nhất 3 nút thắt chúng ta phải vượt qua. 

Nút thắt đầu tiên nằm ở việc nạn nhân không lên tiếng, không chỉ sau khi vụ việc quấy rối diễn ra mà đôi khi trong cả quá trình nạn nhân bị quấy rối. Đây không phải lỗi do nạn nhân.

Một nghiên cứu được đăng tải trên tờ New York Times vào năm 2023 đã chỉ ra rằng, nhiều nạn nhân bị xâm hại, quấy rối thường không thể cử động, co quắp, hay không thể kêu gọi giúp đỡ. Cách phản ứng của con người không chỉ có chống trả hay chạy trốn mà cả đông cứng. Trong thế giới tự nhiên, khi đối diện với nguy hiểm, nhiều động vật giả chết hoặc không thể cử động. Lý giải trên hợp lý với miêu tả của nhiều nạn nhân của quấy rối tình dục khi họ kể lại vấn đề.

Việc các nạn nhân không lên tiếng sau khi vụ việc diễn ra, thậm chí sau rất nhiều năm, cũng có nhiều nguyên nhân. Các tổn thương tinh thần và thể chất cần thời gian để có thể được giải quyết. Vượt qua được những nỗi đau trên tùy thuộc vào cá nhân mỗi người (tuổi tác, công việc, tình trạng sức khỏe….) cho đến nguồn lực từ bên ngoài, ví dụ như nạn nhân có cộng đồng bạn bè hỗ trợ không. Nằm sâu hơn trong nỗi im lặng của nạn nhân là nỗi sợ về những định kiến xã hội, vốn rất ngặt nghèo lên phụ nữ phương Đông. Trong một xã hội nơi diễn ngôn đổ lỗi cho nạn nhân như "tại cô mặc váy quá ngắn" hay "phụ nữ tử tế không bao giờ ra khỏi nhà lúc nửa đêm nên bị xâm hại là đích đáng", việc lên tiếng có thể đẩy nhiều phụ nữ vào tầng thứ hai của sang chấn tinh thần: Sức ép từ dư luận. 

Giải pháp cho vấn đề trên là những hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân của quấy rối tình dục. Sự xuất hiện của các nhóm hỗ trợ nạn nhân của quấy rối tình dục, các đường dây nóng hay tăng hiểu biết cộng đồng nói chung về vấn đề quấy rối/xâm hại tình dục là những giải pháp hiệu quả để có thể đẩy nhanh quá trình hồi phục của nạn nhân trước khi có thể tố cáo. Tuy nhiên cũng cần nhấn mạnh, quá trình trên không thể diễn ra một cách khiên cưỡng và thực sự sẽ cần thời gian cho từng nạn nhân trước khi họ có thể lên tiếng.

Nếu nút thắt đầu tiên được tháo gỡ, nút thắt thứ hai nằm ở câu chuyện: Lên tiếng rồi, tố cáo rồi nhưng liệu có bằng chứng không?

Đòi hỏi bằng chứng với các nạn nhân của quấy rối tình dục thường rất khó vì nhiều lý do. Câu chuyện xảy ra có thể đã lâu như ở nút thắt đầu tiên là một trong số vấn đề. Nhiều vụ quấy rối xảy ra ở những không gian không có camera ghi hình, nạn nhân cũng không thể biết được khi nào việc quấy rối diễn ra để ghi âm. Quấy rối qua tin nhắn có thể được lưu trữ tốt hơn nhưng đối tượng quấy rối hoàn toàn có thể gạt phắt đi, "tài khoản tôi bị hack, tôi không biết gì hết." Ở điểm nghẽn này, nhiều phụ nữ không dám lên tiếng vì họ hiểu rằng nếu không có bằng chứng, công chúng có thể cho rằng họ bịa lên câu chuyện.

Trước đây, khi nói về quấy rối tình dục, nhiều người cho rằng phải xảy ra hành vi hiếp dâm hay giao cấu mới được coi là quấy rối tình dục. Chính vì vậy, nhiều người đòi hỏi những bằng chứng hữu hình như dấu vết bầm trên cơ thể, thương tật, dịch cơ thể còn sót lại…. Cách hiểu như trên về quấy rối tình dục còn quá hẹp, mở đường cho những kẻ quấy rối có cơ hội thoát thân dễ dàng.

Giải pháp cho vấn đề này được một số quốc gia đưa ra bằng quy định yêu cầu người bị tố cáo phải chứng minh mình không làm, thay vì yêu cầu nạn nhân phải trình bằng chứng. Pháp là một trong số những quốc gia đã ra quy định này vào năm 2018. Với những cáo buộc liên quan đến quấy rối tình dục nơi công sở, kẻ bị tố cáo phải chứng minh mình không thực hiện hành vi quấy rối tình dục.

Nút thắt thứ ba nằm ở khung pháp lý cho câu chuyện quấy rối tình dục. Kể cả khi đã có bằng chứng, camera ghi hình, vẫn có những lỗ hổng trong luật pháp khiến các kẻ thực hiện hành vi phạm tội có thể lách luật.

Rất nhiều vụ việc liên quan đến quấy rối tình dục ở Việt Nam khi được đưa ra pháp luật đều bị đánh giá là xử lý nhẹ hơn mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Điển hình là câu chuyện người đàn ông bất ngờ hôn cô gái trong thang máy và "ra về" với mức phạt 200.000 đồng. Hành vi này chưa được cấu thành tội "dâm ô" trong luật hình sự mà chỉ có thể phạt hành chính.

Bộ luật hình sự năm 2015 không có tội dâm ô với người từ 16 tuổi trở lên nên các mức xử phạt cho những trường hợp quấy rối tình dục nơi công sở thường khá nhẹ, thậm chí không được giải quyết. Trong nhiều phiên họp Quốc hội, một số đại biểu đã lên tiếng về việc cần phải sửa đổi luật để tội "quấy rối tình dục" được quy định rõ ràng với những hình thức xử lý hiệu quả hơn. 

Phạt 200.000 đồng cho một cái sờ mông trong thang máy nơi công cộng giữa ban ngày ban mặt (hiện đã được nâng lên 2-3 triệu đồng), nhiều người coi đó là một trò đùa. Và nó như một vòng luẩn quẩn - khi các nạn nhân thấy rằng luật pháp chưa đủ mạnh để bảo vệ họ, việc lên tiếng cũng không có quá nhiều nghĩa lý.

Để giải quyết vấn đề quấy rối tình dục, cả 3 nút thắt trên đều cần được tháo gỡ. Hiện nay, trách nhiệm xử lý các vụ quấy rối tình dục lại đang được đẩy sang cho truyền thông và mạng xã hội, trong khi đây vốn là trách nhiệm chính của pháp luật. Tôi hy vọng những quy định pháp lý về tội phạm quấy rối, xâm hại tình dục sẽ sớm được hoàn thiện để các nạn nhân không mãi đứng trong bóng tối.

Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!