Tâm điểm
Hoàng Anh Tú

"Chết khô" trong thế giới đầy kết nối

Chúng ta sốc khi đọc tin một cô gái trẻ chết trong căn hộ của khu chung cư đông đúc hơn 1 năm mới phát hiện ra. Chúng ta đặt ra vô vàn câu hỏi xoay quanh một thi thể chết "khô" trên sofa. Dưới góc độ pháp luật, những câu hỏi sẽ được trả lời sau quá trình điều tra. Còn dưới góc độ xã hội, sự việc không khỏi khiến cá nhân tôi suy nghĩ về những đứt gãy trong kết nối của thời đại đầy kết nối ngày nay.

Một xã hội đầy kết nối nhưng nhiều khi con người ngày càng cô đơn hơn. Kết nối wifi càng mạnh thì kết nối đời thực càng yếu. Kẻ có 5.000 người bạn trên mạng xã hội có khi còn cô đơn hơn một tài khoản Facebook trống rỗng, hoặc người còn chẳng có Facebook, chẳng dùng mạng xã hội.

Chúng ta đang đứt gãy kết nối không chỉ vì kết nối wifi quá mạnh, mạng xã hội quá hấp dẫn hay vì sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ đâu. Mà là ở chính cách mà chúng ta kết nối giữa con người với nhau. Đừng đổ lỗi cho mạng xã hội, wifi, 5G, trí tuệ nhân tạo hay bất cứ thứ gì ngoài kia. Tôi nghĩ vậy. Về mối quan hệ gia đình nơi cha mẹ chỉ nói, nói, nói với con cái mà quên việc lắng nghe con. Bởi trẻ con thì biết cái gì mà nói. Bởi áo mặc sao qua khỏi đầu. Bởi cá không ăn muối cá ươn. Cha mẹ áp đặt, ra mệnh lệnh với con cái. Vì yêu con. Vì lo lắng cho con. Vì mai này con lớn con sẽ hiểu.

Chết khô trong thế giới đầy kết nối - 1

Xã hội hiện đại có thêm nhiều công cụ giúp kết nối, nhưng kết nối đời thực lại dần yếu đi (Ảnh minh họa: Getty).

Nhiều năm làm anh Chánh Văn, tôi nhận ra những đứa trẻ có cha mẹ là lao động phổ thông, có khi còn "tự do" hơn những đứa trẻ có cha mẹ học hàm học vị, nhiều tiền. Cứ nhìn những cuộc đua vào lớp 1, lớp 6, lớp 10 ở ta thì thấy. Cha mẹ càng có điều kiện thì càng kỳ vọng vào con và đi cùng kỳ vọng là những áp lực đặt lên vai lũ trẻ. Khiến những đứa trẻ sinh ra trong một gia đình có điều kiện đôi khi phải chịu áp lực nặng hơn rất nhiều và có khi còn quá sức chịu đựng của chúng.

Đứt gãy kết nối bắt đầu từ đó, những đứa trẻ mong rời khỏi gia đình sớm để được sống với cuộc đời của nó. Chúng muốn đi thật xa để đào thoát khỏi vòng kiềm tỏa của cha mẹ. Đứt gãy kết nối khi đó không phải là từ chối giao tiếp mà là không còn muốn sống gần cha mẹ, thậm chí ích kỷ hơn, thấy cuộc đời đẹp nhất là khi không có cha mẹ ở bên. Thật tiếc khi phải nói: Lũ trẻ luôn cạn nghĩ vì chúng chưa có nhiều trải nghiệm trong đời để nghĩ sâu, nghĩ xa hơn. Chúng ta khi còn là chúng cũng cạn nghĩ như chúng mà, nhớ không?

Kết nối xã hội cũng không khá hơn đâu. 600.000 cuộc ly dị mỗi năm cho thấy sự đứt gãy trong kết nối vợ chồng cũng là điều đáng báo động. Ngày càng nhiều người trẻ lười kết hôn, kết hôn rồi lại lười sinh con. Là chúng ta không muốn sản sinh ra thêm những kết nối mới, tạo thêm kết nối mới. Có thể chưa đến mức nói là khủng hoảng lòng tin về hai chữ Gia Đình nhưng sự mất lòng tin là có thật. Những đổ vỡ là có thật. Đứt gãy kết nối chính là sự mất lòng tin ấy. Cô đơn chính là từ lòng tin không còn.

Chúng ta cô đơn cũng là bởi chúng ta đã chẳng tin vào thế giới này, mất lòng tin vào những người xung quanh. Hàng ngày giở báo ra chúng ta đọc được quá nhiều bài học về lòng tin bị bội phản, người lừa đảo ở quanh ta. Trên truyền thông dần ít đi những câu chuyện người tốt việc tốt. Lại thêm mạng xã hội tiếp tay cho những nguồn thông tin không chính thống, những trang giả báo chí câu view, câu like. Mà chuyện tiêu cực thì thu hút hơn. Thậm chí, bịa chuyện, gieo rắc những thông tin xấu độc về lòng người. Càng đọc nhiều chúng ta càng mất lòng tin, càng mất lòng tin chúng ta càng cảm thấy cô đơn và tự bó hẹp kết nối đời mình.

Có một bạn đọc của tôi viết: Trên mạng luôn có nút chia sẻ (share) nhưng ngoài đời thì không. Là sự chia sẻ, giúp đỡ trên mạng luôn dễ dàng hơn ngoài đời thực. Là trong cuộc sống thực, chúng ta ngại chìa tay giúp đỡ mọi người vì có thể do chính ta đã không nhận được sự giúp đỡ của mọi người, đã từng tổn thương do bị từ chối giúp đỡ. Ta mất kết nối trong đời thực như thế.

Để có thể thân thiết trên mạng hơn là ngoài đời. Ta biết cô A đang tung tẩy Paris, cậu B đang khoe công việc mới, em C vừa có bộ bikini sexy trên bãi biển. Nhưng ta lại chẳng hề hay biết đồng nghiệp của mình vừa bị chồng bạo hành, ta chẳng hề biết tâm sự u uất của một người thân dù ta vẫn xem Facebook của họ mỗi ngày.

Hay ngay như trong chương trình mà tôi đang làm người dẫn chuyện trên VTV2 tối Chủ Nhật hàng tuần, có những nhân vật xuất hiện trên chương trình của tôi lại chính là những người bạn của tôi trên Facebook. Hàng ngày thứ tôi thấy là rất nhiều ảnh đẹp, chuyện vui. Cho đến khi họ bước vào chương trình, cởi bỏ chiếc mặt nạ tươi vui, là một trái tim đầy thương tổn. Ai trong chúng ta cũng mang trái tim nhiều thương tổn như vậy nhưng không phải ai cũng sẵn sàng kêu gọi sự trợ giúp. Không phải vì họ không cần sự trợ giúp mà là họ không có kết nối nào giúp họ được cả. Họ chính là những người cô đơn đến cùng cực trong nỗi đau phải tự nuốt vào trong như thế.

Tại Việt Nam, 14,9% dân số (khoảng 15 triệu người) bị mắc các rối loạn về tâm thần, theo thống kê tại Hội nghị tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần do Bộ Y tế tổ chức tháng 10/2023. Trong đó, tỷ lệ bị trầm cảm, lo âu chiếm tới 5,4% dân số. Ở trẻ em, khoảng 12% (tương đương hơn 3 triệu trẻ em) có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần. Họ có thể là bất cứ ai đó ngoài kia, có thể là một người nào đó đang ở quanh bạn, đang cần sự kết nối ngoài đời thực, cần được nút share ngoài đời thực, từ bạn? Đừng để một ngày, lần gặp kế tiếp của chúng ta với họ chỉ là đi qua quan tài của họ, nhìn mặt lần cuối…

Tác giả: Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!