1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Tảo hôn ở các dân tộc thiểu số đã giảm nhưng vẫn phức tạp

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Mặc dù bị cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn tồn tại dai dẳng trong các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Việt Nam.

Tảo hôn, kết hôn trẻ em đe dọa cuộc sống hiện tại và tương lai của trẻ em gái và phụ nữ trên khắp thế giới, khiến họ mất quyền tự định đoạt trong cuộc sống và làm mất đi cơ hội học tập, đào tạo.

Ngoài ra, tảo hôn khiến họ dễ bị bạo hành, phân biệt đối xử và lạm dụng hơn; làm hạn chế sự tham gia của họ vào các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội.

Tảo hôn, kết hôn trẻ em cũng thường đi kèm với mang thai sớm và đẻ dày, dẫn đến tăng tỷ lệ tử vong bà mẹ.

Vấn đề tảo hôn ở vùng dân tộc thiểu số Việt Nam

Tảo hôn ở các dân tộc thiểu số đã giảm nhưng vẫn phức tạp - 1

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn tồn tại dai dẳng trong các DTTS ở Việt Nam (Ảnh: UN Women).

Theo Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women), tảo hôn ở các DTTS đã giảm nhưng vẫn phức tạp, một số DTTS có tỷ lệ tảo hôn trên 50%.

Mặc dù bị cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn tồn tại dai dẳng trong các DTTS ở Việt Nam.

Tảo hôn đã gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của vùng DTTS.

Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019 cho thấy, tỷ lệ người DTTS tảo hôn năm 2018 là 21,9%, giảm 4,7 điểm phần trăm so với năm 2014 (26,6%).

Tuy nhiên tỷ lệ tảo hôn vẫn ở mức cao tại những vùng tập trung nhiều đồng bào DTTS sinh sống như Tây Nguyên 27,5%, Trung du và miền núi phía Bắc là 24,6% và Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung 22,4%.

Tảo hôn ở các dân tộc thiểu số đã giảm nhưng vẫn phức tạp - 2

Tỷ lệ tảo hôn của người dân tộc thiểu số theo giới tính và vùng kinh tế - xã hội, năm 2018 (nguồn Tổng cục thống kê, kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019).

UN Women cho biết, hậu quả của việc tảo hôn sẽ dẫn đến việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên.

Khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, kinh nghiệm và chưa sẵn sàng về mặt tâm lý để mang thai và sinh con gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bà mẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh.

Thực trạng này là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em DTTS, tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em DTTS dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi, tăng tỷ lệ tử vong của bà mẹ DTTS liên quan đến thai sản.

Về nguyên nhân, UN Women cho biết, tảo hôn trong các DTTS ở Việt Nam là một vấn đề mang tính bối cảnh phụ thuộc cả vào bối cảnh lịch sử và các thay đổi trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội. Đây không chỉ đơn thuần là vấn đề xã hội mà còn đi kèm với văn hóa của các DTTS. Nói cách khác, văn hóa DTTS có thể góp phần vào việc gia tăng tảo hôn.

Một số nguyên nhân cụ thể dẫn đến tảo hôn, gồm: Khó khăn về kinh tế là một yếu tố rõ ràng dẫn đến tảo hôn ở các DTTS.

Trong bối cảnh điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho phát triển sinh kế và đời sống, tình trạng nghèo đói dai dẳng ở vùng DTTS và miền núi (MN) khiến cho việc tảo hôn trở thành một phương thức đối phó với các biến động xã hội và trở thành "chiến lược" về an toàn sinh kế.

Hôn nhân được coi đồng nghĩa với việc mang lại an ninh về sinh kế. Các em gái DTTS sau khi kết hôn sẽ trở thành lao động chính trong gia đình nhà chồng và làm hầu hết công việc nội trợ, chăm sóc.

Do ảnh hưởng của những quan niệm, phong tục tập quán thói quen có hại trong các DTTS gây áp lực kết hôn sớm và hôn nhân cận huyết thống ở người DTTS.

Áp lực xã hội có thể ảnh hưởng đến quyết định tảo hôn của em gái và thường liên quan đến việc bảo vệ danh dự của gia đình. Dưới áp lực danh dự và kinh tế, cha mẹ ở hộ gia đình DTTS thường đồng ý với quyết định kết hôn của con cái, mặc dù chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật;...

Trách nhiệm của chính quyền địa phương trong xử lý, can thiệp đối với các trường hợp tảo hôn còn chưa mạnh mẽ, thiếu kiên quyết.

Cán bộ thực thi pháp luật ở cơ sở chưa cương quyết xử lý loại hình vi phạm này, đa số áp dụng hình thức xử phạt hành chính và không cho đăng ký kết hôn. Khi xảy ra các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật về tảo hôn, các cơ quan chính quyền lại thụ động, lúng túng, không giải quyết triệt để.

Nhận thức về pháp luật nói chung, Luật Hôn nhân và Gia đình nói riêng và ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật của một bộ phận người DTTS còn hạn chế. Bên cạnh đó, họ chưa nhận thức đầy đủ về các hệ lụy của tảo hôn.

Tăng quyền năng cho trẻ em gái dân tộc thiểu số

Tảo hôn ở các dân tộc thiểu số đã giảm nhưng vẫn phức tạp - 3

Cần tăng quyền năng cho trẻ em gái DTTS (Ảnh: UN Women).

Để khắc phục vấn nạn tảo hôn ở vùng DTTS, theo UN Women cần áp dụng cách tiếp cận đa chiều, toàn diện để xây dựng một chiến lược can thiệp tổng thể và bền vững đối với tảo hôn ở vùng DTTS&MN.

Cụ thể, cần tăng quyền năng cho trẻ em gái DTTS, đặt trẻ em gái DTTS là trung tâm của chiến lược và các giải pháp can thiệp về tảo hôn trong vùng DTTS&MN.

Tăng cường tiếp cận thông tin và giáo dục cho trẻ em ở lứa tuổi từ 13 tuổi đến 18 tuổi về sức khỏe sinh sản và nhận thức về hôn nhân phù hợp với đặc điểm văn hóa của các dân tộc khác nhau trong trường học và trong cộng đồng.

"Bình thường hóa" việc sử dụng các biện pháp tránh thai trong quan niệm đạo đức của người DTTS. Bảo đảm cho thanh, thiếu niên DTTS (nam và nữ) có khả năng tiếp cận các dịch vụ chất lượng về chăm sóc sức khỏe sinh sản; dịch vụ tư vấn về tâm lý, tình dục; nhà tạm lánh và các dịch vụ xã hội khác.

Giải pháp tiếp theo, phải tăng cường tiếp cận của trẻ em DTTS (nam và nữ) tới cơ hội có chất lượng trong thị trường lao động và trong hoạt động cộng đồng.

Cụ thể, tăng cường cơ hội cho trẻ em DTTS tham gia các khóa học nghề có chất lượng và phù hợp với lứa tuổi, từ đó tạo cơ hội tiếp cận tới những việc làm có chất lượng. 

Một giải pháp nữa theo UN Women là tăng cường sự tham gia của trẻ em DTTS (nam và nữ) vào quá trình ra các quyết định có liên quan đến trẻ em; nâng cao năng lực để trẻ em DTTS (nam và nữ) có thể tự tin, độc lập, tự chủ khi tham gia các hoạt động ở nhà trường và cộng đồng

Ngoài 3 giải pháp trên, UN Women cho rằng cần tăng cường cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tư vấn và can thiệp cho nữ và nam DTTS dưới 18 tuổi; mở rộng hơn so với quy định của pháp luật Việt Nam về độ tuổi 'trẻ em là người dưới 16 tuổi".

Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn cho cán bộ các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội địa phương để thực hiện tốt nhiệm vụ rà soát, phát hiện các trường hợp có nguy cơ tảo hôn; cung cấp dịch vụ tư vấn, can thiệp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các trường hợp tảo hôn;...