1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Ngành điện không xứng đáng được thưởng!

(Dân trí)- “Một doanh nghiệp muốn được thưởng phải có lãi thật, còn lãi trên cơ sở cắt điện để giảm chi phí thì không xứng đáng được hưởng cái đó”. Ông Nguyễn Đình Xuân, Uỷ viên UB KHCN&MT của QH bày tỏ quan điểm trước việc EVN đề nghị trích 1.002 tỉ đồng để làm quĩ thưởng.

“Với tư cách đại biểu Quốc hội, đại diện cho người dân, tôi không đồng tình việc thưởng một số tiền lớn cho ngành điện lực khi họ chưa hoàn thành nhiệm vụ với nhân dân”, ông Xuân nói.

Thưa ông, mới đây báo chí đề cập đến việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị trích 1.002 tỉ đồng để làm quĩ thưởng cho cán bộ, nhân viên ngành điện và Bộ Tài chính đã đồng ý để EVN trích 668 tỉ đồng làm quĩ thưởng. Ông có ý kiến gì về việc này?

Thứ nhất, với tư cách là doanh nghiệp, đề nghị khen thưởng có một cơ sở là Luật Doanh nghiệp chúng ta cho phép. Nhưng đó là về mặt lí thuyết, còn về thực tế, một doanh nghiệp muốn được thưởng phải có lãi thật, còn lãi trên cơ sở cắt điện để giảm chi phí thì không xứng đáng được hưởng cái đó. Và Bộ Tài chính có lẽ chỉ làm trên giấy tờ thôi, còn trên thực tế đó là sự phản cảm.

Bộ Tài chính đã đồng ý cho EVN trích 2/3 số tiền đề xuất làm quĩ khen thưởng như vậy, trong khi Bộ Công thương lại “bác” đề xuất của EVN, thưa ông?

Tôi nghĩ rằng điều này xuất phát từ hai góc nhìn khác nhau, hai cách áp dụng văn bản khác nhau. Nhưng với tư cách là đại biểu Quốc hội, đại diện cho người dân, tôi không đồng tình việc thưởng một số tiền lớn đó cho ngành điện lực khi họ chưa hoàn thành nhiệm vụ với nhân dân.

Nói về nhiệm vụ, cách đây chưa lâu, EVN cũng đã có ý kiến trả 13 dự án điện, trong khi họ là người có năng lực nhất trong việc đầu tư ở lĩnh vực này?

Tôi không biết lí do thực sự của việc trả lại 13 dự án, nhưng về nguyên tắc họ phải giải trình được điều đó. Nhiệm vụ nhà nước giao cho anh phát triển nguồn điện để có điện cho nhân dân, cho sản xuất, cho phát triển kinh tế, chứ không phải quyền lợi mà anh trả. Ví dụ như một ngàn tỉ đồng trên anh trả lại, nộp vào ngân sách không ai bàn gì rồi.

Nhưng trả lại các dự án, có nghĩa là không hoàn thành nhiệm vụ thì phải có lí giải thật rõ trong tờ trình và Chính phủ phải xem xét trách nhiệm của các vị lãnh đạo khi có động thái từ chối nhiệm vụ của mình.

Còn về lâu dài chúng ta phải chấm dứt độc quyền theo kiểu này. Hiện nay tôi biết có nhiều người muốn xin mua điện với giá cao nhưng không mua được, nhưng nhiều nhà máy muốn bán điện cũng không bán được…

Từ một số việc liên quan đến EVN, có những ý kiến cho rằng, công tác lãnh đạo, điều hành của EVN có vấn đề?

Nó có vấn đề cả hai phía. Một là công tác điều hành có vấn đề. Hai là cơ chế, luật pháp và những qui định của chúng ta cho ngành có vấn đề. Tôi nói thế này, nếu là một ngành kinh doanh theo thị trường thực sự thì không dại gì cắt điện cả. Họ sẽ phải cung cấp điện nhiều và người dân dùng càng nhiều càng rẻ thì mới đúng.

Ngành điện đang kinh doanh có lãi và có tiền để đề xuất lập quĩ khen thưởng, vậy cơ sở họ đề xuất tăng giá điện là không hợp lí?

Tôi không thấy vấn đề tăng giá được giải trình một cách rõ ràng, nhất là giá nhiên liệu cuối năm giảm…

Một lí do tăng giá được ngành điện nói tới là tăng để bằng các nước trong khu vực và trên thế giới, nhưng nhiều người lại cho rằng, đời sống người dân của ta lại không bằng các nước đó?

Theo tôi biết thì giá điện có thể thấp hơn một số nước, nhưng thứ nhất cần nhìn nhận mặt bằng kinh tế, giá cả; thứ hai là mình khai thác nguồn thuỷ điện. Nguồn thuỷ điện này thực sự là một tài nguyên thiên nhiên người dân đáng được hưởng, chứ không phải thuỷ điện là của riêng ngành điện.

Bao nhiêu diện tích đất cho thuỷ điện và giữ rừng thượng nguồn để có được nước, ngành điện đã trả đồng xu nào lên rừng đầu nguồn đâu. Rồi chúng ta có than, khí là những tài nguyên cho nên dân mình được hưởng giá điện rẻ cũng là điều phù hợp thôi, đâu như các nước không có tài nguyên.

Trong phương án tăng giá điện của EVN mới đây, giá điện sinh hoạt sẽ có nhiều điều chỉnh. Quan điểm của ông về việc xây dựng giá điện như thế nào?

Tôi không thích kiểu ban phát trong ngành điện, đại loại 50 số đầu tính giá 500đ rồi kêu lỗ. Tôi đồng ý với việc để cho ngành điện bán giá bù được chi phí, còn nhà nước hỗ trợ những hộ nghèo và những ngành sản xuất gặp khó khăn.

Kinh nghiệm từ việc tăng giá xăng dầu, chúng ta có chính sách giảm thuế cho một số ngành dùng nhiều xăng dầu, hỗ trợ cho người khó khăn. Chúng ta có thể làm tương tự cho ngành điện. Phải tách ra giữa kinh doanh và bao cấp: bao cấp phải do nhà nước chi trả, còn khi ngành điện kinh doanh thì đóng thuế.

Tôi nghĩ rằng, nhiều người dân sẵn sàng trả giá điện cao hơn 500 đồng/số, nhưng không được cắt điện, thậm chí nếu cắt điện phải bồi thường.

Xin cảm ơn ông!

Cấn Cường
(Thực hiện)