1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng:

Bác Tôn với sự nghiệp Đổi mới

(Dân trí) - Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận xét: “Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng”.

Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng (20/8/1888- 20/8/2008)- người chiến sỹ cách mạng kiên cường, mẫu mực, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, người bạn chiến đấu gần gũi, thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xin gửi tới bạn đọc bài viết của PGS.TS Hoàng Trang, nguyên Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh về Người.

 

Bác Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888 và mất ngày 30/3/1980. Cuộc đời với 92 mùa xuân, trong đó gần 70 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và nhân loại. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận xét: “Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng”. Đó là “sản phẩm hào hiệp của chất hào hiệp Nam Bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người”. Bác Tôn đi vào cõi vĩnh hằng trước sự nghiệp đổi mới mở ra là 6 năm, nhưng những “chất người Tôn Đức Thắng” lại rất cần cho sự nghiệp đổi mới ở mỗi người Việt Nam.

 

Năm 1906, Tôn Đức Thắng 18 tuổi, vừa học xong bậc sơ học ở Long Xuyên đã quyết định rời quê nhà lên Sài Gòn học việc và làm thợ máy. Vậy là ý chí tự lập đã hình thành ở Tôn Đức Thắng ngay từ khi tuổi còn rất trẻ. Đó là nét độc đáo, một nhân tố quan trọng đặt nền móng tạo nên nhân cách toàn diện, tạo nên “chất người Tôn Đức Thắng”. Nhân cách này đã giúp Tôn Đức Thắng ngay từ buổi ban đầu bước vào đời đứng hẳn về phía nhân dân lao động, chọn hướng lao động kỹ thuật, hoà mình vào đời sống của giai cấp công nhân. Đó là một “Phương hướng tốt, hợp thời đại”.

 

Ngày nay trong sự nghiệp đổi mới, nhất là với lớp thanh niên tuổi trẻ cần phải có nhân cách, “chất người Tôn Đức Thắng” để vững vàng, tự tin bắt kịp thời đại, thực hiện “đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” và phát huy hết khả năng của mình xoá đi nỗi nhục của người dân một nước nghèo.

 

Bác Tôn bị thực dân Pháp bắt ở Sài Gòn năm 1929 và bị kết án 20 năm tù khổ sai đày ra “địa ngục trần gian” Côn Đảo. Đồng chí Lê Duẩn cùng bị tù ở Côn Đảo với Bác Tôn, về sau là Tổng Bí thư của Đảng đã nhận xét về Bác Tôn: “Đế quốc Pháp đã bắt giam, đày đoạ đồng chí 17 năm trời ở nhà ngục Côn Lôn với chế độ khổ sai, khi thì nhốt vào hầm xay lúa, khi thì nhốt vào hầm tối, tay chân bị xiềng xích, cùm kẹp, khi thì cho ăn lúa sống hoặc bỏ đói bỏ khát, nhưng tinh thần cách mạng kiên cường của đồng chí trước sau vẫn không chút lay chuyển. Trong nhà tù đồng chí luôn luôn nêu cao tấm lòng yêu nước và chí khí quật cường của người công nhân, luôn luôn tin tưởng ở tương lai tươi sáng của dân tộc và của giai cấp, luôn luôn vui vẻ và không bao giờ xao lãng công tác cách mạng”.

 

Đảng và Nhà nước ta đánh giá về Bác: “17 năm bị tù đầy ở Côn Đảo, đồng chí luôn luôn nêu cao tinh thần cách mạng kiên cường, tin tưởng vững chắc vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Trong suốt hơn 20 năm đổi mới vừa qua, Đảng ta luôn luôn khẳng định bài học: “trong quá trình đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.

 

Để đạt tới mục tiêu này, đòi hỏi mỗi người Việt Nam, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức và thế hệ trẻ phải có “tấm lòng yêu nước và chí khí quật cường của người công nhân” Tôn Đức Thắng, ra sức phấn đấu hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ chiến lược hiện nay là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

 

Giữa năm 1916, Tôn Đức Thắng bị động viên vào đội quân lính thợ và sang Pháp trong lực lượng hải quân. Ngày 19/4/1919, Tôn Đức Thắng đã tham gia cuộc khởi nghĩa Hắc Hải của hải quân Pháp bảo vệ cách mạng Tháng Mười Nga. Năm 1920 Tôn Đức Thắng bị rời nước Pháp trở về nước. Về đến Sài Gòn Người đã mang những kinh nghiệm học được từ giai cấp công nhân Pháp vào xây dựng phong trào công nhân Sài Gòn.

 

Lúc đầu Tôn Đức Thắng tổ chức tương tế ái hữu, còn gọi là Uỷ ban bữa cháo cộng sản. Đến cuối năm 1920, Tôn Đức Thắng lập ra Công hội bí mật ở Sài Gòn. Đây là tổ chức công hội đầu tiên ở Việt Nam. Công hội do Tôn Đức Thắng lãnh đạo đã tổ chức được nhiều cuộc đấu tranh, tiêu biểu nhất là cuộc bãi công của công nhân Ba Son vào tháng 8/1925 – như một dấu son đánh dấu trình độ giác ngộ công nhân, trình độ tổ chức, ý thức đoàn kết, kỷ luật, sự phối hợp đấu tranh thực hiện cả mục tiêu kinh tế và chính trị, sự phối hợp quốc tế.

 

Từ năm 1926 Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc thành lập ở Quảng Châu -Trung Quốc bắt đầu hoạt động ở Sài Gòn thì Công hội của Tôn Đức Thắng ra nhập Hội. Cũng từ đây giai cấp công nhân Việt Nam mới chuyển mạnh mẽ từ “tự phát” đến “tự giác”. Mùa xuân năm 1930 trình độ “tự giác” của giai cấp công nhân Việt Nam đã phát triển cao và được đánh dấu bằng sự ra đời đội tiên phong của giai cấp công nhân là Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôn Đức Thắng là lớp đảng viên đầu tiên của Đảng. Khi ở nhà tù Côn Đảo, Người luôn tham gia chi uỷ của chi bộ bí mật trong nhà tù.

 

Sự nghiệp giác ngộ, xây dựng, phát triển giai cấp và phong trào công nhân và xây dựng Đảng của Bác Tôn từ đầu thế kỷ XX cho tới nay còn nguyên ý nghĩa và nóng hổi tính thời sự khi toàn Đảng toàn dân đang ra sức thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khoá X) của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đổi mới hiện nay và thực hiện nhiệm vụ then chốt của đổi mới là xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

 

Bác Tôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân. Như đồng chí Trường Chinh thay mặt Đảng và Nhà nước đã khẳng định: “Đồng chí là người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

 

Sau Cách mạng Tháng Tám, Bác Tôn luôn là người đứng đầu Mặt trận dân tộc thống nhất. Bác lãnh đạo Mặt trận xây dựng khối đoàn kết toàn dân đấu tranh “giành độc lập cho Tổ quốc, dân chủ cho nhân dân, hoà bình cho thế giới”. Như đồng chí Võ Chí Công, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã viết: “Suốt đời hoạt động của mình, Bác Tôn hết lòng chăm lo đoàn kết đồng chí, đoàn kết đồng bào, đoàn kết cả nước trong cuộc chiến đấu chung vì độc lập thống nhất của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội”.

 

Khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, bài học đầu tiên Đảng ta rút ra là đổi mới phải “lấy dân làm gốc”, đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế, thực hiện đa phương hoá, đa dạng hoá trong quan hệ quốc tế. Đây chính là sự tiếp nối và phát triển đường lối và kinh nghiệm đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế rộng rãi đã có từ khi Bác Tôn là người đứng đầu Mặt trận dân tộc thống nhất.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Đảng và Nhà nước Liên Xô đánh giá: “Đồng chí Tôn Đức Thắng…, người chiến sĩ quốc tế kiên cường, người bạn lớn của Liên Xô, người chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp hoà bình và chủ nghĩa xã hội”.

 

Những phẩm chất đạo đức mẫu mực, tấm gương người chiến sĩ quốc tế kiên cường Tôn Đức Thắng đã kết tinh trong cuộc vận động của toàn Đảng toàn dân ta hiện nay “đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đưa sự nghiệp đổi mới tới thành công, và kết tinh trong bài học: đổi mới phải “phát huy cao độ nội lực, đồng thời ra sức khai thác ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới”.

 

Tư tưởng, sự nghiệp, “chất người Tôn Đức Thắng” cho ta thấy, Bác Tôn vẫn đang đồng hành với nhân dân ta trên đường đưa sự nghiệp đổi mới tới thắng lợi hoàn toàn.

 

PGS. TS Hoàng Trang,

nguyên Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh

(TTXVN)