Tội khó xử!

Khi chồng ngoại tình, thậm chí công khai chung sống với người khác, nhiều bà vợ vẫn luôn tìm cách để kéo chồng quay về, nhưng chẳng phải ai cũng thu được kết quả trên hành trình cứu vãn lại mái ấm.

 
Luật không buộc được tình


Luật không buộc được tình

Đó là tuyên bố của ông Huỳnh Văn Thuận, ở huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước. Nhà ông có hai hec ta cao su, lại ngay mặt tiền tỉnh lộ, nên ông còn bán cây giống kiếm thêm thu nhập. Việc nhà ông sắp xếp rồi giao cho vợ, con trai và con dâu mỗi người lo một chuyện, còn ông thì đi qua nhà nhân tình, sống công khai. Hai ngày một lần, ông về coi sổ sách chi thu, gom tiền bỏ túi. Vợ con chính thức cứ như người làm công ăn lương!

Ai cũng khen vợ ông Thuận giỏi nhịn, chồng vậy mà không nói tiếng nào, cứ lủi thủi làm, thu được bao nhiêu là gom đưa chồng đầy đủ. Bà nói trong nước mắt: “Hết cách rồi! Hồi má chồng tôi còn sống, ổng còn nể mặt, đi ban ngày, tối về. Hai năm nay, từ khi bà mất, ổng chỉ ghé thu tiền, rồi ôm hết đi. Thưa công an, công an nói phải tới chỗ cư trú của cô kia. Qua đó thưa, công an bên đó nói ông ở với lý do hùn hạp kinh doanh vật tư nông nghiệp, có đăng ký kinh doanh, đăng ký tạm trú rõ ràng, không phạm pháp, sao bắt phạt được?”.

Chị Trương Thùy Trân, nhà ở Q.12 thì ghen tuông, rình rập mãi, cuối cùng cũng bắt được quả tang chồng chị và cô tình nhân đang ở chung phòng trọ tại một huyện ngoại thành. Đây là lần thứ… n chồng chị Trân hứa không “tái phạm”, năn nỉ vợ bỏ qua, nhưng vẫn chứng nào tật ấy. Bạn bè của vợ chồng chị kể, chồng chị từng “tâm sự” với bạn bè, đó là những “mối tình sét đánh” của anh, chứ thực tâm anh ta không muốn bỏ vợ con. Chị là công nhân may, mỗi lần anh bị “sét đánh” là chị phải nghỉ việc không lương mới có thời gian theo dõi, mới bắt được quả tang, có “chứng cứ”. Sau đó, thường thì chị bị cho nghỉ việc, phải tìm chỗ làm mới. Chị nói: “Bốn lần tôi “bắt tận tay” chồng mình quan hệ với người khác, nhưng chỉ một lần duy nhất công an một xã ở huyện Bình Chánh lập biên bản anh ta vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Mấy chỗ khác thì chẳng ai chịu ghi như vậy vì họ nói, luật không quy định ngoại tình là phạm luật”. Chị Trân uất ức: “Công an thả sổng mấy con nhỏ đó trước mặt tôi. Đã “trai trên gái dưới” mà còn chưa gọi là vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng là sao?”.

Thế nhưng, ngay lần chồng bị xử phạt ở Bình Chánh, cũng chính chị Trân chạy tìm phóng viên nhờ giúp đỡ, để chồng chị khỏi bị phạt hành chính vì: “tiền đóng phạt cũng là tiền chung. Khoản đó để mua gạo muối cũng đỡ!”. Rõ ràng, vì chị cứ “tay đánh, tay xoa” nên ông chồng quý hóa của chị cứ hết cặp cô này tới cô kia.
 
Bằng chứng cũng bằng không!

Chồng chị Trần Thị M. (P.1, Q.6) là tiến sĩ Thái Lâm T., hiện là Tổng giám đốc Viện M. (Q.10). Cuối tháng 5/2012, một bản cam kết chấm dứt quan hệ ngoài luồng với cô thư ký ngân hàng đã được ông T. ký trước mặt vợ. Tháng 3/2013, chị M. lại bắt gặp tin nhắn mùi mẫn của chồng với người khác, là Hồng Th. - cô giáo ở một trường cấp II tại xã Đức Hòa Hạ (H.Đức Hòa, Long An). Ông T. chối nhưng lại âm thầm thu gom đồ đạc, bỏ nhà đi từ ngày 9/6. Trước nguy cơ mất chồng, chị M. nhiều lần xuống tận Long An “phá án”. Chị còn gặp nhiều người để nhờ tác động, giúp chồng chấm dứt quan hệ với cô tình nhân.

Chị M. cũng gửi đơn tố cáo, khiếu nại khắp nơi, từ UBND phường, BGH trường của tình địch, Phòng Giáo dục đào tạo H.Đức Hòa, UBND xã Đức Hòa Hạ, đến cả các cơ quan, đơn vị chồng chị liên kết làm ăn… Ông tiến sĩ rành luật, giỏi ăn nói, lại có quan hệ rộng nên các nỗ lực buộc tội của chị M. đều vô hiệu. Kết quả chị M. có được là lời khuyến cáo: “Đối với bà M. cũng cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và tế nhị hơn nữa trong cách ứng xử trong cuộc sống để bảo vệ gia đình và cam kết không xúc phạm bà Th.” (biên bản hòa giải tại xã Đức Hòa Hạ, ngày 5/7). Ông tiến sĩ và cô giáo Th. “trắng án” khi khẳng định: quen biết nhau chỉ trên tinh thần bạn bè, không vượt quá giới hạn. Nộp lại đơn khiếu nại ba ngày sau đó, chị M. bức xúc: “Chỉ là bạn bè bình thường mà nhắn tin, chat gọi bằng OXY, BXY (ông xã yêu - bà xã yêu), nói toàn chuyện hẹn hò “trả bài”, “sinh con”, thậm chí xài những từ ngữ trần trụi chỉ ở chốn phòng the. Nội dung chat, tôi đã in cả xấp để làm bằng chứng, có cả webcam rõ mặt hai người. Hơn nữa, hàng xóm xác nhận, cứ khoảng vài ngày là cô Th. dắt về anh kép tiến sĩ, khóa cửa ở trong từ sáng đến chiều. Bao nhiêu đó không là bằng chứng ngoại tình, vi phạm chế độ một vợ một chồng thì là gì? Đợi đứa con lòi ra thì còn nói gì nữa?”.

Cần biện pháp chế tài

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Ngân Hoa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu gia đình và giới, Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ: “Hành vi ngoại tình phá vỡ nền tảng gia đình thủy chung bền vững và bị xã hội lên án gay gắt. Pháp luật về hình sự và hành chính đều có quy định chế tài xử phạt hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, nhưng thực tế việc xử phạt này chỉ như “gãi ngứa”, bởi kết cục của những cuộc tình “ngoài vợ ngoài chồng” thường là quyết định ly hôn, hoặc bạo liệt hơn là có những cuộc bắt ghen mà hậu quả là người phụ nữ đi bắt ghen bị xử lý (vì gây rối trật tự công cộng; gây thương tích hoặc làm nhục người khác…) trong khi anh chồng rảnh rang ngoài vòng pháp luật, có chăng là chịu hình thức kỷ luật phê bình chút đỉnh theo quy định của Luật Cán bộ công chức. Nếu anh ta không phải là cán bộ công chức thì pháp luật hiện hành về HNGĐ… coi như thua”!

Theo quy định tại Nghị định số 87/2001/NĐ-CP, người đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng; chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tiền từ 100.000đ đến 500.000đ nhưng đã có mấy ai bị xử phạt?

Trong dự thảo lần thứ ba của Bộ Công an về xử phạt vi phạm hành chính trong nhiều lĩnh vực đưa ra lấy ý kiến mới đây, phần về hôn nhân gia đình hầu như vẫn được giữ nguyên, chỉ có chút xíu thay đổi là đưa ra hình thức phạt cảnh cáo và tăng gấp đôi mức tiền phạt. Về chế tài hình sự, gần như chưa xử lý được mấy anh chồng vi phạm. Có thể thấy, một điểm chung trong các quy định là đều có vế thòng “nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng”. “Hậu quả nghiêm trọng” được giải thích bằng tình trạng có thể là làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát, v.v... Với giải thích đó thì hậu quả của tình trạng vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng hầu hết là nghiêm trọng, bởi gia đình tan vỡ dẫn đến ly hôn khá phổ biến, nhưng thực tế hiếm khi pháp luật xử lý những anh chồng “có người khác” và cũng ít coi ly hôn là “chỉ dấu” của hậu quả nghiêm trọng.
 
Theo Nghi Anh - Diệu Hiền
PNO

* Tên các nhân vật đã được thay đổi