DMagazine

Triết lý kiểm soát bóng của HLV Troussier và câu chuyện từ Premier League

(Dân trí) - Triết lý kiểm soát bóng là chủ đề được tranh luận quá nhiều trong suốt một năm qua, kể từ khi HLV Philippe Troussier được bổ nhiệm dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Điều này cần thiết hay không cần thiết?

Trong những thập niên cũ, thủ môn là vị trí bị nguyền rủa. Nếu các tiền đạo mang tới niềm vui tột đỉnh bằng những pha làm bàn thì ngược lại, "người gác đền" dội gáo nước lạnh dập tắt sự sung sướng ấy. Bởi định mệnh ấy, họ lạc loài trong màu áo khác, cô độc trong khung gỗ để trả giá cho mọi sai lầm, không chỉ của bản thân mà cả đồng đội.

Bóng đá là trò chơi, riêng thủ môn không được chơi bóng. Nếu trót lỡ xử lý ngẫu hứng đôi chút, anh ta sẽ bị cả khán đài réo rắt hoặc chế giễu. Cho nên hành động phát bóng của các thủ thành mang đầy tính biểu trưng, liên tưởng. Bằng tất cả sự căm hận, anh ta mắm môi mắm lợi cố tống khứ trái bóng đi thật xa.

Ngày nay, bóng đá đã khác. Đặc biệt là vị trí thủ môn. Anh ta không đơn thuần chỉ sắm vai "gác đền". Anh ta hoạt động trong phạm vi rộng hơn, không còn loanh quanh ở khoảnh sân trước khung thành tới nỗi cỏ mọc không nổi.

Anh ta được cầm bóng, được chuyền bóng, được phối hợp hay tổng quát là tham gia vào trận đấu hơn thay vì chỉ đứng chống nạnh nhìn đồng đội chơi bóng từ xa.

Triết lý kiểm soát bóng của HLV Troussier và câu chuyện từ Premier League - 2

Hình ảnh đối nghịch và mang tính biểu trưng cho sự thay đổi vẫn là các tình huống phát bóng. "Người gác đền" không còn căm hận đá trái bóng ra thật xa khung gỗ.

Họ âu yếm đặt trái bóng xuống mặt cỏ, quan sát rồi chuyền cho đồng đội đứng ngay bên cạnh. Họ cũng sẵn sàng nhận lại trái bóng và phát triển theo hướng khác nếu đồng đội bị đối phương áp sát.

Kiểu lên bóng này hay phổ quát hơn là "phương pháp phát triển bóng từ phần sân nhà" ngày càng phổ biến trong vòng 5 năm trở lại đây. Không chỉ tại các giải đấu đỉnh cao mà trên khắp thế giới, từ châu Âu đến châu Mỹ và bao gồm cả đội tuyển Việt Nam, thủ môn thường chọn chuyền ngắn thay vì phát bóng thật mạnh lên phía trên.

Các trận đấu gần đây của tuyển Việt Nam, thủ thành Filip Nguyễn có rất nhiều pha chuyền ngắn như thế. Phương pháp này là bước quan trọng trong chu trình tổ chức tấn công của lối chơi cũng đang ngày càng thịnh hành mang tên: Kiểm soát bóng.

Đối với một số người, phương pháp này được đánh giá cao về mặt phát triển chiến thuật trong bóng đá. Nhưng luồng ý kiến khác cho rằng đó là sự mạo hiểm không cần thiết, đơn giản chỉ là xu hướng mang tính nhất thời từ thành công của Pep Guardiola và không phải ai cũng sở hữu tài cầm quân như vị chiến lược gia người Tây Ban Nha.

Triết lý kiểm soát bóng của HLV Troussier và câu chuyện từ Premier League - 4

Tại Việt Nam, triết lý kiểm soát bóng cũng trở thành đề tài được tranh luận sôi nổi, thậm chí tranh cãi gay gắt, đặc biệt từ khi ông Philippe Troussier được bổ nhiệm làm HLV trưởng đội tuyển quốc gia (ĐTQG). Quyết tâm thay đổi diện mạo lối chơi đội tuyển Việt Nam của nhà cầm quân người Pháp chịu không ít ý kiến trái chiều.

Ai đúng? Ai sai? Soi chiếu dựa trên thực tiễn sẽ phần nào cho ra được góc nhìn hợp lý hơn.

Triết lý kiểm soát bóng của HLV Troussier và câu chuyện từ Premier League - 6

Sự tiến hóa chiến thuật trong bóng đá có thể khởi phát từ nhiều nguồn cơn khác nhau. Có thể phát sinh từ điều chỉnh luật. Có thể được truyền cảm hứng từ những nhà hiền triết bóng đá.

Có thể là ý tưởng đột phá của cầu thủ hoặc HLV. Có thể từ sự cải thiện điều kiện thi đấu. Và cũng có thể áp lực phát triển từ một trò tiêu khiển đến ngành công nghiệp giải trí trị giá nhiều tỷ đô.

Đầu tiên, những điều chỉnh về luật bóng đá rất quan trọng. Thay đổi quan trọng giúp tăng tốc độ trận đấu và tính cống hiến là việc cấm thủ môn bắt bóng khi đồng đội chuyền về vào năm 1992.

Điều chỉnh khác giúp thủ môn chuyền ngắn nhiều hơn phát bóng lên thật xa là hậu vệ được đứng trong vòng cấm ở các tình huống phát bóng, áp dụng từ năm 2019.

Thứ hai, điều kiện sân bãi ngày càng được cải thiện. Mặt cỏ trở nên phẳng lì thay vì được ví như ruộng khoai, qua đó giúp các đường chuyền ngắn trở nên chính xác hơn.

Thứ ba, các thủ môn ngày càng mong muốn được tham gia vào trận đấu nhiều hơn. Sau luật cấm thủ môn bắt bóng khi đồng đội chuyền về, thủ thành huyền thoại Peter Schmeichel nhất quyết đòi được tham gia các tình huống phối hợp, chuyền bóng tại Man Utd.

Edwin van der Sar, một cựu thủ thành xuất sắc khác của Man Utd cũng được xem là đi trước thời đại nhờ khả năng chơi chân. Tiến thêm bước nữa có Manuel Neuer cùng khái niệm "thủ môn quét".

Triết lý kiểm soát bóng của HLV Troussier và câu chuyện từ Premier League - 8

Nhận thấy "khát vọng" của các học trò trong khung gỗ cũng như nhu cầu tăng cường nhân sự cho khâu kiểm soát bóng bên phần sân nhà, nhiều chiến lược gia khuyến khích thủ môn dùng chân và hạn chế sử dụng những thủ môn dùng tay giỏi nhưng chơi chân kém.

Pep Guardiola được xem là HLV tạo ra cuộc cách mạng cho vị trí thủ môn nhưng trước nhà cầm quân người Tây Ban Nha, Arsene Wenger cũng có ý tưởng tương tự với David Seaman. Đó là điều thứ tư.

Cuối cùng, người hâm mộ cảm thấy thích thú hơn với một trận đấu "nhiều tình tiết" thay vì đơn điệu bóng dài.

Bởi vậy, lối chơi đặc trưng của Barcelona dần trở thành tiêu chuẩn phổ biến trên nhiều nền bóng đá, kể cả "thánh địa bóng dài" như Anh quốc. Tiêu biểu chính là việc thủ môn chuyền ngắn thay vì phát bóng dài.

Và tất nhiên, ai cũng muốn được xem thứ bóng đá "ở trên ti-vi" dù ở bất cứ trình độ nào. Dẫu vậy, không phải ai cũng đủ kỹ thuật để thực hiện pha bật tường một hai trong vòng cấm đội nhà. Không khó để tìm thấy vô vàn bàn thua đến từ các tình huống phối hợp hỏng nơi hậu tuyến vì lùi đội hình xuống quá sâu.

Đôi khi, chỉ cần pha phát bóng thật mạnh lên phía trên là hiệu quả nhất. Nhưng ở năm 2024 này, cách lên bóng ấy lại hầu như "lỗi mốt".

Triết lý kiểm soát bóng của HLV Troussier và câu chuyện từ Premier League - 10

Những pha xử lý hỏng bên phần sân nhà rất dễ dẫn đến bàn thua và khiến cho người hâm mộ thất vọng. Vì vậy, làm thế nào để HLV giảm thiểu rủi ro khi "phát triển bóng từ sân nhà" và đối phó với phản ứng của cổ động viên?

Chia sẻ trên tờ The Athletic, một HLV đang làm việc tại Anh quốc đã đưa ra câu trả lời khá thú vị: "Việc khó nhất là tái tạo sự hỗn loạn của một trận đấu thực thụ trên sân tập. Sự hỗn loạn này phải bao gồm cả sự ầm ĩ từ khán đài, áp lực kỳ vọng. Bạn phải kiểm soát được tất cả những điều đó", ông nói.

"Đối với tôi, để làm được điều này cần phải tập luyện thật nhiều, tập đi, tập lại, và dùng đúng người. Việc chọn lựa đội hình rất quan trọng, đặc biệt nếu HLV đã có trong đầu ý tưởng cụ thể về đấu pháp".

Triết lý kiểm soát bóng của HLV Troussier và câu chuyện từ Premier League - 12

Tuy nhiên, làm thế nào để các cầu thủ tiếp thu và thực hiện đúng yêu cầu đấu pháp đề ra cũng không phải điều đơn giản. Có những cầu thủ ưa rê bóng hơn chuyền bóng. Tương tự, có những cầu thủ thích dạt biên hơn trung lộ hoặc ngược lại. Vai trò của HLV trưởng là tạo cho các học trò niềm tin và tuân thủ tuyệt đối đấu pháp.

Về mặt đấu pháp, thực tế nhiều đội bóng theo đuổi triết lý kiểm soát bóng và luôn triển khai bóng từ sân nhà, nhưng phương án tấn công lại rất khác nhau. Đơn cử như Brighton và Man City, một chú ngựa ô và một gã khổng lồ tại Premier League.

Brighton tập trung phát triển bóng nhanh, phối hợp chớp nhoáng xuyên qua lớp pressing của đối phương và tấn công trực diện vào kẽ hở lộ ra. Ngược lại, Man City chọn lối chơi "công kiên", tức là phát triển bóng chậm rãi, chắc chắn.

Triết lý kiểm soát bóng của HLV Troussier và câu chuyện từ Premier League - 14

Nguyên do dẫn đến sự khác biệt này phần nào đến từ đặc tính của mỗi đội. Brighton không được đánh giá cao, do đó các đối thủ có xu hướng dâng cao đội hình để dồn ép.

Trong khi đó, Man City là cái tên khiến mọi đối thủ phải dè chừng và lùi sâu đội hình phòng ngự. Và ngược lại, Man City cũng sử dụng việc cầm bóng để phòng ngự chứ không chỉ tấn công.

Thế nên, phát triển bóng từ sân nhà hay rộng hơn là lối chơi kiểm soát bóng, chỉ là biểu hiện chứ không phải căn cốt của đấu pháp. Căn cốt nằm ở khía cạnh khác, chẳng hạn như mảng miếng tấn công/phòng ngự, cách dùng người, khả năng phân tích đối thủ hay ứng biến trước và trong từng trận đấu.

Tranh luận về triết lý chơi bóng đơn giản chỉ là vô bổ. Tiêu chí quan trọng nhất đánh giá thành công hay thất bại của một HLV là kết quả. Ông Troussier không phải ngoại lệ!

Nội dung: Ngọc Trung

Thiết kế: Đức Bình