DMagazine

Messi đối đầu Modric: Cuộc chiến của hai thiên tài bị quê hương ruồng rẫy

(Dân trí) - Messi và Modric đều là những ngôi sao kiệt xuất bậc nhất của bóng đá thế giới trong những năm đầu thế kỷ 21. Nhưng thật trớ trêu, cả hai thiên tài này đều từng bị chính quê hương ruồng rẫy.

Lionel Messi và Luka Modric đều là những ngôi sao kiệt xuất của bóng đá thế giới trong những năm đầu thế kỷ 21. Nhưng thật trớ trêu, cả hai thiên tài này đều từng bị chính quê hương ruồng rẫy.

Messi đối đầu Modric: Cuộc chiến của hai thiên tài bị quê hương ruồng rẫy - 1

Luka Modric là cầu thủ vĩ đại nhất mà bóng đá Croatia từng sản sinh. Trong kỷ nguyên của tiền vệ tài hoa được ví như "Johan Cruyff vùng Balkan", đội bóng áo ca-rô đỏ trắng đã lọt vào tứ kết Euro 2008, giành ngôi á quân World Cup 2018 và đã có mặt ở bán kết World Cup 2022.

Ở cấp độ CLB, Modric cùng Real Madrid đã chinh phục mọi đỉnh cao danh vọng cao quý nhất, bao gồm 3 lần đăng quang La Liga, 1 Cúp Nhà Vua, 5 chức vô địch Champions League và hàng tá danh hiệu khác. Trên phương diện cá nhân, ngôi sao sinh năm 1984 này là cầu thủ đầu tiên đoạt Quả bóng vàng trong thời đại thống trị của hai siêu sao Cristiano Ronaldo và Lionel Messi.

Nếu Modric là người Anh, anh sẽ được phong tước hiệp sĩ. Nếu Modric là người Brazil, anh sẽ được dựng tượng tại quê nhà. Nếu Modric là người Pháp, anh sẽ nói chuyện với Tổng thống mỗi khi cân nhắc chuyện tương lai. Hoặc nếu Modric là người Bỉ, anh sẽ được miễn phí sô-cô-la và bia trọn đời.

Nhưng tại Croatia, đã có lúc Modric bị gọi là "con điếm". Một bộ phận không nhỏ dân chúng tỏ ra không ưa, thậm chí căm ghét, ngôi sao bóng đá lớn nhất đất nước. Nguồn cơn đến từ mối quan hệ giữa Modric với một trong những người đàn ông quyền lực nhất của làng bóng Croatia - Zdravko Mamic, nguyên Phó Chủ tịch liên đoàn bóng đá quốc gia.

Messi đối đầu Modric: Cuộc chiến của hai thiên tài bị quê hương ruồng rẫy - 3

Nhiều thời điểm, Mamic là Giám đốc điều hành Dinamo Zagreb, CLB giàu truyền thống và hùng mạnh nhất đất nước. Đây mới chính là vị trí để người đàn ông này vươn xúc tu thao túng. Đối với những tài năng trưởng thành từ lò đào tạo của Dinamo, bất cứ ai sáng giá đều ký hợp đồng cá nhân với vị Giám đốc điều hành.

Theo thỏa thuận, Mamic cung cấp hỗ trợ tài chính ban đầu cho các cầu thủ trẻ, những người có thu nhập cực kỳ eo hẹp, đổi lại một phần thu nhập trong tương lai của họ sẽ được trả cho ông và quan trọng hơn hết, những tương lai của bóng đá Croatia này phải được đại diện bởi Mario Mamic, con trai vị Giám đốc điều hành Dinamo Zagreb. Modric không phải là ngoại lệ.

Khi đầu quân cho Tottenham trong kỳ chuyển nhượng Hè 2008, tiền vệ này nhận được 10,5 triệu euro từ phí chuyển nhượng bản thân, khoảng 8,5 triệu euro được chuyển vào tài khoản của Mamic.

Rắc rối xảy ra khi vị Giám đốc điều hành Dinamo Zagreb bị tố cáo chèn những điều khoản bất minh vào hợp đồng của các cầu thủ trẻ, bao gồm những tên tuổi lừng lẫy như Dejan Lovren, Sime Vrsaljko và Mateo Kovacic, dĩ nhiên cả Modric, để trục lợi mỗi khi chuyển nhượng. Năm 2015, Mamic bị bắt vì tội danh tham ô và trốn thuế. 3 năm sau, người đàn ông này bị kết án 6 năm rưỡi tù giam. Tuy nhiên, Mamic không chịu chấp hành bản án bằng cách trốn sang Bosnia-Herzegovina.

Messi đối đầu Modric: Cuộc chiến của hai thiên tài bị quê hương ruồng rẫy - 5

Về phần Modric, sự căm ghét dân chúng dành cho tiền vệ này bắt đầu từ phiên tòa tháng 6/2017. Ngôi sao của Real Madrid và Lovren được yêu cầu làm chứng trong phiên tòa xét xử Matic. Thay vì "làm chứng", Modric trở thành luật sư bất đắc dĩ cho tay mafia của bóng đá Croatia. "Ne sjecam se - Tôi không nhớ", tiền vệ này lặp đi lặp lại mỗi khi bị hỏi về các tình tiết vụ việc. Thậm chí, khi được hỏi về ngày ra mắt đội tuyển quốc gia, Modric vẫn ấp úng "Ne sjecam se".

Anh trở thành tâm điểm chỉ trích của búa rìu dư luận. "Ne sjecam se" trở thành "từ khóa" phổ biến để giễu nhại tiền vệ đang khoác áo Real Madrid. Ngay tại khách sạn Zadar, nơi có thể xem là di tích của cộng đồng bóng đá khi Modric và gia đình từng sinh sống trong những năm tháng chiến tranh cũng bị viết bậy bằng những dòng chữ: "Luka, một ngày nào đó mày sẽ phải nhớ!" hay "Con điếm của Mamic".

Messi đối đầu Modric: Cuộc chiến của hai thiên tài bị quê hương ruồng rẫy - 7

Giống như hầu hết các quốc gia tại Nam Mỹ, sau khi du nhập vào Argentina, bóng đá lập tức trở thành hiện tượng. Môn thể thao này không chỉ trở nên phổ biến đến từng con phố bụi bặm mà còn tạo ảnh hưởng như một thứ tôn giáo. Người Argentina đam mê trái bóng tròn và đội tuyển quốc gia trở thành biểu tượng của sự đoàn kết và tự tôn dân tộc.

Bởi sự phổ biến của túc cầu, bản sắc bóng đá Argentina trở thành đề tài được đàm luận sôi nổi trên tờ El Grafico vào năm 1928, cách nay gần 100 năm. Quan điểm được hầu hết giới quan sát thống nhất là sự đối nghịch giữa bóng đá xứ sở Tango và Anh quốc. Tại quê hương bóng đá, môn thể thao này được chơi trên những sân cỏ rộng lớn trong trường học, vì vậy các cầu thủ xem trọng sức mạnh, tốc độ và sự va đập.

Trong khi đó, các cậu bé tại Argentina chơi bóng trên những bãi đất trống bụi bặm, bẩn thỉu trong khu ổ chuột - ngôn ngữ bản địa gọi là potreros. Tại potreros, những trận đấu vô pháp, vô thiên diễn ra đầy bạo lực và thủ đoạn. Trái bóng là thứ duy nhất lũ trẻ bấu víu, từ đó hình thành nên lối chơi lắt léo và tinh ranh.

Messi đối đầu Modric: Cuộc chiến của hai thiên tài bị quê hương ruồng rẫy - 9

Trong cuộc bút chiến ấy, cây bút Borocoto của El Grafico đã để lại áng văn được ví như lời tiên tri cho nhân dạng của bóng đá Argentina:

"Giống như một con nhím, khuôn mặt bẩn thỉu, tóc tai bờm xờm, đôi mắt cuốn hút, toát lên vẻ thông minh và tinh ranh. Ánh mắt ấy thật sinh động, tươi vui nhưng cũng đầy bí hiểm. Tương tự là nụ cười, để lộ ra hàm răng ố vàng vì những mẩu bánh mỳ ngày hôm qua.

Chiếc quần vá chằng vá đụp; chiếc áo sọc trắng xanh theo màu quốc kỳ Argentina, cổ trễ và lỗ chỗ vết thủng vì bị chuột gặm. Đầu gối chi chít vết sẹo. Đôi chân trần hoặc được bao bọc bởi đôi giày rách nát lộ cả ngón chân. Dáng đứng mới thật đặc trưng, nghiêng nghiêng như thể đang rê trái bóng làm từ nùi giẻ".

Không chỉ Diego Maradona, những hậu sinh của El Diego như Ariel Ortega, Pablo Aimar, Carlos Tevez đều sở hữu nhân dạng như thế. Duy chỉ có Lionel Messi chỉ có một nửa nhân dạng ấy. Cho dù tương đồng với Maradona nhất về tài nghệ lẫn phong cách, Messi lại thiếu đi cá tính của người Argentina. La Pulga không vươn lên từ potreros, anh trưởng thành trong môi trường mực thước như một trường học ở La Masia, học viện đào tạo cầu thủ trẻ của Barcelona.

Messi đối đầu Modric: Cuộc chiến của hai thiên tài bị quê hương ruồng rẫy - 11

Messi rời Argentina khi còn độ tuổi thiếu niên, gần 20 năm đã trôi qua và anh dành phần lớn sự nghiệp gắn bó với gã khổng lồ xứ Catalonia. Những chiến công hiển hách nhất của Messi đều gắn liền với màu áo Los Blaugrana, từ 10 lần đăng quang La Liga, 4 chức vô địch Champions League cho đến 7 Quả bóng vàng.

Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, những kỷ niệm của Messi trong màu áo Albiceleste chỉ toàn đắng cay. Người dân xứ sở Tango còn ví von đầy chua chát và châm biếm rằng: "Messi là người Catalonia ở Argentina". Còn gì cay đắng hơn khi bị chính đồng bào quay lưng?! Quá tủi nhục vì những thất bại, đặc biệt giai đoạn 2014-2016 với 3 lần về nhì liên tiếp ở World Cup và Copa America, La Pulga tuyên bố chia tay Albiceleste. Nếu thời điểm đó Messi dừng lại thật, có lẽ anh sẽ là một trong những ngôi sao có số phận bi kịch nhất tại đội tuyển quốc gia, bên cạnh Luka Modric.

Messi đối đầu Modric: Cuộc chiến của hai thiên tài bị quê hương ruồng rẫy - 13

6 năm sau Copa America 2016, 5 năm sau biến cố Mamic, Messi và Modric gặp nhau trong trận bán kết World Cup 2022 giữa Argentina và Croatia. Bằng tài nghệ tuyệt luân và đặc biệt là sự tận hiến bằng tất cả tình yêu quê hương đất nước, cả Messi, Modric dần chinh phục đồng bào và khẳng định vị thế thủ lĩnh cả tinh thần lẫn lối chơi ở đội tuyển quốc gia.

Messi không còn hiền lành, nhu mì như trước. Anh bản lĩnh hơn, tinh quái hơn, thậm chí hiếu chiến hơn trong màu áo Albiceleste. Trận tứ kết với Hà Lan thể hiện rất rõ nhân dạng bóng đá xứ sở Tango trong con người La Pulga hiện tại. 2 lần bước lên chấm đá 11m, 2 lần Messi thực hiện thành công một cách lạnh lùng. Anh không còn e sợ và cũng chẳng phải gồng mình. Sút thì sút. Số 10 bước lên và đưa bóng vào lưới.

Cái cách Messi ăn mừng sau loạt sút luân lưu mới thật ngạo nghễ và khiêu khích, điều hầu như không thấy khi anh còn khoác áo Barca. Chẳng những thế, La Pulga còn sẵn sàng dùng tay chơi bóng để tránh đội nhà gặp bất lợi, văng tục đầy thô lỗ vào cầu thủ đối phương (Weghorst) ngay trước ống kính máy quay khi đang phỏng vấn, và chỉ trích thậm tệ ông trọng tài. Một Messi gai góc như thế mới đúng là một Messi người Argentina.

Messi đối đầu Modric: Cuộc chiến của hai thiên tài bị quê hương ruồng rẫy - 15

Trong khi đó, lớn hơn Messi 2 tuổi, Modric vẫn gồng mình kéo Croatia vượt qua hết thử thách này đến thử thách khác và trở thành biểu tượng không thể tranh cãi của bóng đá đất nước này. Giống như hình ảnh của cậu bé mục đồng khéo léo lùa đàn dê vượt qua nanh vuốt của lũ sói để trở về nhà, Cruyff vùng Balkan dẫn dắt đội bóng áo sọc ca-rô đỏ trắng tránh né những đòn hung hiểm của các đối thủ trên cơ và chờ cơ hội phản đòn hoặc kéo trận đấu đến loạt đá luân lưu.

Cần nhấn mạnh, tuyển Croatia không phòng ngự theo kiểu đổ bê-tông. Với hàng tiền vệ chất lượng nhưng hàng tiền đạo quá cùn mòn, đội bóng này chọn lối đá dền dứ để hạn chế sức công phá của đối phương. Điển hình chính là trận gặp Brazil. Trong 90 phút thi đấu chính thức, Modric và các đồng đội thực hiện tới 139 đường chuyền ở 1/3 sân bên phía đối phương, tuy nhiên chỉ có 18 lần chạm bóng trong vòng cấm địa và tung ra vỏn vẹn 6 cú dứt điểm đều không trúng đích.

Brazil tưởng như đã hạ được Croatia bằng khoảnh khắc lóe sáng của Neymar nhưng rốt cuộc lại nhận cái kết đắng vì sự ngẫu hứng thái quá. Argentina với nhân dạng là chú bé đầy tinh quái sẽ không "ngây thơ" như thế. Lão mục đồng Modric đã khéo léo dẫn Croatia vượt qua bao hung hiểm nhưng đối thủ lần này là "sư tử" Leo Messi, người có thể tạo đột biến chỉ trong cái chớp mắt.

Thế nên, màn so tài này sẽ rất thú vị để theo dõi, cả về thế trận lẫn trình diễn kỹ năng. Tất nhiên, dù cho kết quả nào xảy ra, Messi và Modric vẫn xứng đáng có được vị trí trang trọng trong lịch sử bóng đá cùng tình cảm từ người hâm mộ Argentina và Croatia. Bằng tình yêu và nỗ lực không ngừng, những thiên tài này đã không còn bị quê hương quay lưng. Đó mới chính là cái kết đẹp nhất cho sự nghiệp của cả hai.

Nội dung: Khải Hưng

Thiết kế: Tuấn Huy