DMagazine

Làn sóng nhập tịch của Indonesia và lời giải nào cho đội tuyển Việt Nam?

(Dân trí) - Indonesia đang có những bước thăng tiến nhanh chóng nhờ chính sách nhập tịch và trở thành thách thức cho tuyển Việt Nam. Hơn lúc nào hết, giới mộ điệu chờ đợi HLV Philippe Troussier trổ tài cầm quân.

Làn sóng nhập tịch của Indonesia và lời giải nào cho đội tuyển Việt Nam? - 1

Ngày 15/10/2019, trong khuôn khổ lượt trận thứ tư bảng G, vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á, Indonesia tiếp đón đội tuyển Việt Nam trên sân Wayan Dipta (Bali). Vì lý do an toàn, Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI) không tổ chức trận đấu tại "chảo lửa" Gelora Bung Karno (Jakarta) theo kế hoạch ban đầu.

Dù vậy, lịch sử nghiêng về phía đội chủ nhà. Hơn hai thập niên, Indonesia bất bại tại các giải đấu chính thức cũng như chưa từng để thua trên sân nhà trước tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, tiếng vọng quá khứ không mang nhiều giá trị.

Bất chấp sự cổ vũ cuồng nhiệt đặc trưng của người hâm mộ, đội chủ nhà vẫn để thua với tỷ số 1-3. Thậm chí, tỷ số chưa phản ánh hết khoảng cách giữa hai đội.

Hình ảnh độc đáo lột tả "chênh lệch" giữa Việt Nam và Indoneslia là màn đụng độ bên hành lang giữa Đoàn Văn Hậu và Riko Simanjuntak. Một bên là hậu vệ cánh trái lực lưỡng sở hữu chiều cao 1m85 của đội khách và một bên là tiền vệ cánh phải nhỏ thó chỉ "dài" 158cm của Indonesia. Nếu đứng cạnh nhau, Simanjuntak chỉ ngang ngực Văn Hậu.

Điều đáng nói, 27cm không đơn thuần chỉ là sự tương phản về hình thể, Văn Hậu lấn lướt Riko Simanjuntak theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Mặc dù chơi ở vị trí tấn công và hoạt động năng nổ, cầu thủ chạy biên của tuyển Indonesia mới thường xuyên phải chống đỡ do đội nhà lép vế về mặt thế trận.

Làn sóng nhập tịch của Indonesia và lời giải nào cho đội tuyển Việt Nam? - 4

Chỉ đến những phút cuối trận, thời điểm đội tuyển Việt Nam đã cầm chắc chiến thắng, Riko Simanjuntak mới có cơ hội lóe sáng với pha kiến tạo để Irfan Bachim ghi bàn danh dự cho đội chủ nhà.

Nhìn chung, Indonesia lép vế hoàn toàn từ cá nhân đến tập thể, từ kỹ thuật đến đấu pháp, từ thể chất đến thế trận, từ trình độ đến bản lĩnh. Nói cách khác, tuyển Việt Nam vượt trội về đẳng cấp chứ không phải chuyện thắng bại chỉ trong 90 phút.

Tổng quát hơn về cách biệt trình độ giữa hai đội tuyển trước thời điểm trận đấu diễn ra, đội tuyển Việt Nam đứng thứ 99 trên bảng xếp hạng FIFA, hơn Indonesia 68 bậc. Ở cuộc tái đấu ngày 7/6/2021, Việt Nam, vươn lên vị trí 92, đè bẹp Indonesia, tụt xuống thứ hạng 173, với tỷ số 4-0 trên sân trung lập Al Maktoum (Dubai, UAE).

Kết thúc vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á, tuyển Việt Nam giành vé vào vòng ba bằng ngôi nhì bảng G, chỉ kém đội đầu bảng UAE duy nhất một điểm. Indonesia đứng đội sổ với vỏn vẹn một điểm, ghi 5 bàn thắng và nhận 27 bàn thua.

Làn sóng nhập tịch của Indonesia và lời giải nào cho đội tuyển Việt Nam? - 6

Những chiến binh sao vàng cũng thể hiện vị thế ngọn cờ đầu của bóng đá Đông Nam Á khi xếp trên cả ba đội bóng cùng khu vực, ngoài Indonesia còn có Thái Lan và Malaysia. Chưa bao giờ khoảng cách giữa tuyển Việt Nam và Indonesia lại chênh lệch đến như thế.

Làn sóng nhập tịch của Indonesia và lời giải nào cho đội tuyển Việt Nam? - 8

Riko Simanjuntak không có tên trong danh sách triệu tập đội tuyển Indonesia chuẩn bị cho hai cuộc thư hùng liên tiếp với đội tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2026 vào các ngày 21/3 và 26/3 sắp tới. Tuy đã 32 tuổi nhưng tuổi tác không phải là nguyên nhân chính khiến tiền vệ biên này bị ngó lơ.

Mặc dù vẫn ra sân đều đặn trong màu áo Persija Jakarta, đương kim á quân Liga 1, tuy nhiên từ năm 2020 đến nay, Riko Simanjuntak chỉ 2 lần khoác áo Indonesia. Nhiều đồng đội cùng thời hoặc thậm chí trẻ hơn cả tiền vệ này cũng chịu chung số phận.

Bởi lẽ, chất lượng nhân sự đội tuyển Indonesia được cải thiện đáng kể trong vài năm qua nhờ chính sách nhập tịch, đồng nghĩa cầu thủ bản địa không đủ khả năng cạnh tranh suất lên tuyển.

Minh chứng rõ ràng nhất là danh sách 10 tuyển thủ nhập tịch được HLV Shin Tae Yong triệu tập để chuẩn bị cho cuộc thư hùng với tuyển Việt Nam. Danh sách này bao gồm, Marc Klok, Jordi Amat, Sandy Walsh, Justin Hubner, Jay Idzes, Nathan Tjoe-A-On, Ivar Jenner, Rafael Struick, Thom Haye và Ragnar Oratmangoen.

Riêng hai cái tên cuối cùng (Haye và Oratmangoen) chưa hoàn tất thủ tục để làm lễ tuyên thệ nên chưa thể góp mặt ở trận lượt đi tại chảo lửa Gelora Bung Karno ngày 21/3. Ông Erick Thohir, Chủ tịch PSSI hứa hẹn sẽ nỗ lực hết sức để Haye và Oratmangoen kịp nhập tịch và góp mặt ở trận lượt về tại Mỹ Đình ngày 26/3.

Thom Haye 29 tuổi, thi đấu ở vị trí tiền vệ trung tâm, hiện chơi cho Heerenveen, đội bóng Đoàn Văn Hậu từng khoác áo và không thể trụ lại. Ragnar Oratmangoen 26 tuổi, là tiền vệ tấn công, đang chơi cho Fortuna Sittard tại giải vô địch quốc gia (VĐQG) Hà Lan theo dạng cho mượn từ Groningen.

Làn sóng nhập tịch của Indonesia và lời giải nào cho đội tuyển Việt Nam? - 10

Và chưa tính đến 2 cầu thủ không kịp nhập tịch, làn sóng ngoại lai đã thay đổi hoàn toàn diện mạo Indonesia. Nơi hàng phòng ngự, trung vệ 22 tuổi thường xuyên đá chính là Rizky Ridho đang bị đe dọa vị trí bởi sự xuất hiện của Justin Hubner, cầu thủ chơi cho Cerezo Osaka theo hợp đồng cho mượn từ Wolverhampton.

Ở hành lang phải, Asnawi Mangkualam Bahar cũng khó lòng cạnh tranh với Sandy Walsh, nhà vô địch U17 châu Âu 2012 cùng tuyển Hà Lan và đang khoác áo Mechelen tại giải VĐQG Bỉ. Bên cánh đối diện vốn do Pratama Arhan đảm trách, Shayne Patty đang dần chiếm lòng tin của HLV Shin Tae Yong.

Hậu vệ sinh trưởng tại Hà Lan này cũng đang chơi bóng tại Bỉ cho Eupen. Ngoài ra, tân binh Nathan Tjoe-A-On, cầu thủ khoác áo Heerenveen theo diện cho mượn từ Swansea cũng có vị trí sở trường là hậu vệ cánh trái.

Trên hàng tiền vệ còn xảy ra hiện tượng cầu thủ nhập tịch này mất vị trí vào cầu thủ nhập tịch khác. Đó là trường hợp Marc Klock, cầu thủ gốc Hà Lan đã có nhiều năm chơi bóng tại Indonesia và nhập tịch từ năm 2022.

Trước đây, Klock thường đá cặp với Ricky Kambuaya, nhưng khả năng rất cao bộ đôi tiền vệ trung tâm này dần bị thay thế bởi Ivar Jenner và Thom Haye. Haye đã giới thiệu, còn Jenner hiện khoác áo Utrecht (Hà Lan).

Ngoài ra còn phải kể đến Jordi Amat, trung vệ gốc Tây Ban Nha từng khoác áo Espanyol, Rayo Vallecano, Real Betis, hay tiền đạo gốc Hà Lan Rafael Struick, chân sút 20 tuổi đang chơi cho ADO Den Haag.

Tên tuổi các CLB vừa đề cập có phần xa lạ với giới mộ điệu với người hâm mộ bóng đá Việt Nam, song để thấy rõ sự khác biệt, hãy nhớ rằng những cầu thủ tài năng bậc nhất của bóng đá nước nhà như Đoàn Văn Hậu hay Nguyễn Quang Hải gần như mất hút khi sang châu Âu thử sức. Vậy mới thấy lực lượng Indonesia hùng hậu như thế nào.

Làn sóng nhập tịch của Indonesia và lời giải nào cho đội tuyển Việt Nam? - 12

Nếu đầu tư vào bóng đá trẻ và chờ đợi nguồn lực nội tại, rõ ràng Indonesia không thể thu hẹp khoảng cách trình độ với Việt Nam nhanh đến như vậy. Và cách trung vệ Duy Mạnh bộc bạch "không biết đụng độ tuyển Indonesia hay Hà Lan" không hề vô căn cứ.

Làn sóng nhập tịch của Indonesia và lời giải nào cho đội tuyển Việt Nam? - 14

Không chỉ cải thiện chất lượng nhân sự trong thời gian ngắn, có lẽ đội tuyển Indonesia cũng chưa bao giờ sở hữu lực lượng hùng hậu như thời điểm hiện tại.

Chiến thắng 1-0 trước tuyển Việt Nam ngày 19/1 đưa Indonesia lần đầu tiên vượt qua vòng bảng một kỳ Asian Cup. Tại vòng 1/8, mặc dù để thua đậm 0-4 trước Australia tuy nhiên thầy trò Shin Tae Yong gây ấn tượng bằng lối chơi tự tin, dám cầm bóng và tấn công trước ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch.

Trên lý thuyết, Indonesia sử dụng sơ đồ 5-4-1 nghiêng về phòng ngự song bộ đôi hậu vệ biên Asnawi Mangkualam và Shayne Pattynama tích cực dâng cao để chuyển sang sơ đồ 3-4-3 uy hiếp khung thành Australia một cách hiệu quả. Dù vậy, may mắn không đứng về phía Indonesia, khi Australia vượt lên dẫn hai bàn với chỉ một cú sút trúng đích.

Nếu may mắn hơn, Indonesia xứng đáng có bàn danh dự hoặc gây cho Australia nhiều khó khăn hơn nữa. Dẫu vậy, màn trình diễn trong trận đấu này cũng như suốt hành trình Asian Cup 2023 cho thấy Indonesia hứa hẹn còn vươn xa hơn nữa trong tương lai.

Đối với trận thắng Việt Nam, không thể phủ nhận Indonesia xuất sắc hơn về mọi mặt. Ngay những phút đầu trận, HLV Shin Tae Yong gây bất ngờ bằng cách đánh phủ đầu bằng những đòn vu hồi từ hai biên.

Quan trọng hơn nữa, Indonesia chủ động dâng đội hình lên cao để tạo áp lực cực lớn. Từ bất ngờ đến có phần bị ngợp, các cầu thủ áo đỏ bị bóp nghẹt trong những màn pressing quyết liệt của đối phương và không thể thực thi lối chơi kiểm soát bóng, từ đó áp đặt thế trận theo triết lý của HLV Troussier.

Làn sóng nhập tịch của Indonesia và lời giải nào cho đội tuyển Việt Nam? - 16

Thống kê chỉ ra, tuyển Việt Nam chỉ có tỷ lệ chuyền bóng chính xác 75%, tức trung bình cứ 4 đường chuyền lại hỏng một lần. Trong khi đó, số lần đánh chặn thành công của Indonesia (12) nhiều gấp đôi đội tuyển Việt Nam (6).

Vì thế, không khó để hình dung áp lực khủng khiếp thầy trò Troussier phải đương đầu từ trong ra ngoài sân cỏ tại "chảo lửa" Gelora Bung Karno.

Tuy nhiên, Indonesia vượt lên chính mình không đồng nghĩa vượt lên trên những đối thủ trong khu vực. Chiến thắng trước Việt Nam thực tế đến nhờ bàn thắng duy nhất từ chấm phạt đền. Kết quả này phản ánh tính chất 50-50 của cuộc đụng độ.

HLV Shin Tae Yong có trong tay nhiều "ngoại binh" nhưng cũng đồng nghĩa mất đi tính kết dính. Không phải ngẫu nhiên đích thân vị chiến lược gia người Hàn Quốc thừa nhận không dám chắc thắng trước "Những chiến binh sao vàng".

Chiều ngược lại, tuyển Việt Nam rõ ràng có nhiều điểm phải cải thiện để "phục hận" trước Indonesia. Đơn cử, điều dễ thấy nhất là cải thiện chất lượng cầm bóng. Vấn đề này không đơn thuần chỉ liên quan đến kỹ năng xử lý của từng cầu thủ mà điểm quan trọng hơn là sự ăn ý và biến hóa, qua đó thoát pressing thành công.

Tất nhiên, thoát pressing bên phần sân nhà mới chỉ là bước khởi đầu trong tiến trình đưa bóng tiếp cận khung thành đối phương. Ngoài ra là khả năng ứng phó với đấu pháp đối phương đề ra. Đã đến lúc HLV Troussier thể hiện kinh nghiệm và bản lĩnh của một nhà cầm quân lão làng.

Ông là "tướng cầm quân", do đó thành bại tại kết quả trên sân và kết quả chịu ảnh hưởng từ vô vàn yếu tố tác động, từ nhân sự, đấu pháp, đặc tính đối phương cho đến thời tiết, chất lượng mặt sân… HLV giỏi là HLV kiểm soát tối đa biến cố chứ không chỉ kiểm soát bóng nhiều.

Chưa bao giờ người hâm mộ nước nhà lại chờ đợi HLV Troussier trổ tài như bây giờ!

Nội dung: Ngọc Trung

Thiết kế: Vũ Minh Ngọc