DMagazine

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Xung đột Ukraine chỉ kết thúc ở bàn đàm phán

(Dân trí) - Xung đột Nga - Ukraine bước sang năm thứ ba với những diễn biến không dễ đoán định, và sẽ chưa thể có thay đổi mang tính quyết định trên chiến trường trong thời gian ngắn.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Dân trí, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân - nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng; nguyên Phó Cục trưởng Cục đối ngoại, Bộ Quốc phòng - đánh giá chiến sự sẽ vẫn diễn ra dai dẳng vì 2 bên chưa chấp nhận lập trường của nhau. 

"Với tình hình hiện nay, nếu không có quốc tế tác động tới suy nghĩ của 2 bên và giúp họ xuống thang, thì xung đột không biết đến bao giờ mới kết thúc", ông nói.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân bình luận về xung đột Nga - Ukraine (Video: Tiến Tuấn - Phạm Tiến).

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Xung đột Ukraine chỉ kết thúc ở bàn đàm phán - 1

Ông theo dõi chiến sự Nga - Ukraine trên những kênh nào và xử lý thông tin ra sao để có góc nhìn khách quan nhất về cuộc xung đột này?

Tôi dựa vào báo chí và các tài liệu tham khảo, cả trong nước và nước ngoài. Khi xử lý thông tin thì tôi nghĩ cần nắm chắc quan điểm, chủ trương của Việt Nam, có thể liên hệ quá trình lịch sử mà chúng ta đã trải qua. 

Hiểu lịch sử, nắm bắt được diễn biến theo thời gian thực để dự báo tương lai, dự báo các chiều hướng sắp tới.

Ông thường chú ý đến diễn biến nào nhất trong cuộc xung đột?

Để biết về đường hướng chiến sự, tôi phải theo dõi phát biểu của lãnh đạo hai bên và lãnh đạo các nước liên quan. Trong hơn 2 năm qua có thể thấy một số nhà lãnh đạo đưa ra phát biểu chắc nịch, nhưng cũng có những nhà lãnh đạo phát biểu không nhất quán, gây ra phản ứng.

Về diễn biến chiến trường, ta phải nhìn vào các trận đánh, nhìn vào tương quan lực lượng của các bên, xem các bên tung ra lực lượng hay trang thiết bị, khí tài, vũ khí gì mới hay không, họ đang gặp thuận lợi và khó khăn gì. Từ đó, ta có thể rút ra kết luận về việc ai đang có lợi thế hay thất thế ở từng thời điểm nhất định. 

Để tìm hiểu nghệ thuật quân sự, tôi thường xem cách đánh trận của họ ra sao, cách sử dụng các phương tiện mới trong chiến tranh, và đặc biệt là cách kết hợp phát triển khoa học công nghệ quân sự hiện nay vào chiến trường. Từ đó, tôi liên hệ đến những thứ chúng ta đã phát triển được và đánh giá liệu như thế đã được hay chưa. Tôi nghĩ rằng người quan tâm tới mảng quân sự hẳn cũng chia sẻ với tôi những quan tâm như thế.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine diễn ra dai dẳng, không dễ đoán định, và có lẽ sẽ chưa thể có diễn biến chiến trường mang tính quyết định ngay trong thời gian ngắn. Chắc chắn là chúng ta phải tiếp tục theo dõi trong thời gian dài nữa.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Xung đột Ukraine chỉ kết thúc ở bàn đàm phán - 3

Xung đột đã bước sang năm thứ ba, các hoạt động quân sự diễn ra quy mô lớn trên nhiều mặt trận. Ông nhận định như thế nào về tình hình hiện nay?

Khi Nga đưa quân vào Ukraine vào tháng 2/2022, theo suy nghĩ chủ quan của tôi, có lẽ phía Nga nhiều khả năng mong đợi có được chiến thắng nhanh chóng mà không phải quá tốn kém về quân số nói riêng, nguồn lực quân sự, kinh tế nói chung.

Nhưng hơn 2 năm đã trôi qua, cuộc xung đột này đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều binh sĩ cả hai bên. Đó là chưa nói đến những đau thương mất mát của người dân và thiệt hại cơ sở hạ tầng, di sản văn hóa, những ảnh hưởng đến trật tự và kinh tế thế giới.

Tương lai Ukraine phụ thuộc vào hành động của đồng minh phương Tây. Điều này rất rõ ràng. Nhưng mặt khác cũng phụ thuộc nhiều vào chiến lược, chiến thuật và nỗ lực của chính Kiev. Tôi không đồng ý quan điểm cho rằng đây là cuộc chiến ủy nhiệm của phương Tây. Mỗi khi có chuyển biến trên chiến trường, có người sẽ nói rằng đây là do phương Tây. Nhưng tôi nghĩ rằng lực lượng tại chỗ của Ukraine là yếu tố quyết định. 

Hai diễn biến đáng chú ý vừa qua, theo tôi là việc Ukraine thay thế loạt lãnh đạo quân sự, từ Tổng Tư lệnh đến Tổng tham mưu trưởng. Khi thay thế các vị trí chóp bu này thì sẽ dẫn đến thay thế một loạt các vị trí chỉ huy cấp dưới, ví dụ như Tư lệnh các quân binh chủng, thậm chí là chỉ huy cấp trung đoàn, lữ đoàn, sư đoàn… để cho hợp "ê-kip" và như vậy có thể dẫn đến thay đổi về chiến thuật, cách đánh. 

Diễn biến đáng chú ý khác là Nga đã giành quyền kiểm soát thành phố Avdiivka ở phía đông sau nhiều tháng giao tranh. Lực lượng Ukraine đang ở thế phòng thủ với hy vọng ngăn chặn tổn thất. Nhìn vào bản đồ thì có thể thấy Nga đang kiểm soát 18-20% lãnh thổ Ukraine.

Về phía Ukraine giành được một số thắng lợi trên Biển Đen sau khi đánh chìm một số tàu của Nga. 

Như vậy, có thể thấy là hiện nay chưa bên nào giành phần thắng áp đảo tất cả các mặt trận, chưa bên nào thua toàn diện và không bên nào bỏ cuộc.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Xung đột Ukraine chỉ kết thúc ở bàn đàm phán - 5
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Xung đột Ukraine chỉ kết thúc ở bàn đàm phán - 7

Từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu quốc phòng, theo ông những loại phương tiện, vũ khí nào của cả hai bên đã chứng minh thế mạnh ở chiến trường thời gian qua? 

Trong hơn 2 năm qua chiến sự chủ yếu diễn ra trên bộ, quân đội Nga và Ukraine thường xuyên giao tranh với sự hỗ trợ của pháo hạng nặng và phương tiện không người lái. 

Về tác chiến trên bộ, Ukraine được sự hỗ trợ rất lớn từ bên ngoài. Số binh sĩ Ukraine gửi đi huấn luyện ở nước ngoài được cho là lên tới hơn 100.000, đang được đào tạo tại 80 khu vực thuộc nhiều quốc gia trên thế giới. 

Một hình thức hỗ trợ khác là nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine họp hàng tháng gồm khoảng 50 quốc gia. Nhóm này họp để xác định những vũ khí gửi cho Ukraine và cách hỗ trợ như thế nào.

Tôi quan sát thấy có một số phương tiện, vũ khí lục quân đáng quan tâm như sau. Thứ nhất là tăng thiết giáp. Trước đây nhiều nhà nghiên cứu có lúc cho rằng trong chiến tranh hiện đại thì tăng thiết giáp không còn quan trọng, nhưng thực tế chiến trường Nga - Ukraine chứng minh ngược lại, vẫn rất cần thiết tăng thiết giáp để đánh chiếm và bảo vệ mục tiêu. 

Thứ 2 là pháo binh, đang phát huy tác dụng rất lớn trong cuộc xung đột này. Ước tính trung bình mỗi ngày hai bên bắn hàng nghìn đến hàng chục nghìn viên đạn pháo.

Thứ 3 là hệ thống tên lửa chiến thuật, như hệ thống tên lửa ATACMS của Mỹ, được đưa vào sử dụng bắt đầu từ năm 2023.

Thứ 4 là phương tiện không người lái (UAV), mang ý nghĩa quyết định đối với cả hai bên vì uy lực ghê gớm, có thể cắt xuyên thiết giáp. 

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Xung đột Ukraine chỉ kết thúc ở bàn đàm phán - 9

Như vậy điểm mới là UAV đang dần trở thành một "lực lượng" đáng gờm trên chiến trường?

Thực ra phương thức tác chiến UAV đã được áp dụng nhiều năm qua, trong một số chiến dịch chống khủng bố của Mỹ hay tại các cuộc xung đột ở Syria, Libya. Nhiều thương hiệu UAV nổi tiếng hiệu quả trên chiến trường, như Predator và Reaper của Mỹ, Bayraktar và Anka-S của Thổ Nhĩ Kỳ, Orlan-10 và Orion của Nga, Shahed-136 của Iran…

Gần đây phía Nga còn có những chiếc UAV tự xác định được mục tiêu dưới đất là loại xe tăng gì, tăng Leopard hay tăng Challenger, giúp người điều khiển ra quyết định có nên tấn công mục tiêu đó hay không. 

UAV ngày càng chứng minh sự linh hoạt và tính hiệu quả, thể hiện qua chiến sự Nga - Ukraine như làm nhiệm vụ trinh sát, tấn công mục tiêu, hướng dẫn đối phương ra đầu hàng, và quan trọng nhất là giảm thiểu thương vong cho binh lính.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy việc áp dụng "phương thức tác chiến bầy đàn" UAV mang lại hiệu quả khá cao. Nghĩa là cùng lúc dùng nhiều UAV phối hợp với nhau, có thể thực hiện các nhiệm vụ phức tạp như dẫn đường cho không quân oanh kích, hiệu chỉnh hỏa lực pháo binh, quấy rối hệ thống phòng không của đối phương, v.v...

Với sự phát triển của khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo, tôi nghĩ UAV sẽ còn phát triển rất mạnh trong tương lai và giá thành ngày càng rẻ hơn. Hiện có nhiều loại UAV, và có những loại giá thành chỉ vài trăm hay vài chục USD. Nhiều nước đã tính đến việc phát triển công nghệ UAV để đáp ứng nhu cầu trong trường hợp xảy ra xung đột. 

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Xung đột Ukraine chỉ kết thúc ở bàn đàm phán - 10

Ở trên ông đề cập phương tiện, vũ khí trong giao tranh trên bộ, còn tác chiến trên biển thì sao?

Biển Đen khép kín nên việc quản lý các phương tiện ở đây cũng dễ hơn các biển khác. Mức độ xung đột ở trên biển có phần thấp hơn. 

Ukraine đã sử dụng tàu không người lái cỡ nhỏ như chiếc ván trượt gắn bom trên mặt biển để gây thiệt hại cho các tàu của Nga. Đây là cách đánh mà những nước có hải quân có thể học hỏi được rất nhiều.

Trong giai đoạn đầu tác chiến trên biển, chúng ta thấy là Nga có lên kế hoạch đổ bộ Odesa, nhưng Ukraine đã thả mìn ngoài khơi ngăn chặn trước. Vì thế, Nga chỉ đổ bộ lên Đảo Rắn trong những giờ đầu tiên của cuộc xung đột. 

Sau khi tàu tuần dương Moskva của Nga bị chìm vào tháng 4/2022, Hải quân Nga bắt đầu hoạt động xa bờ biển Ukraine. Cho tới nay, vì chưa làm chủ được bầu trời trên Biển Đen, cũng như không làm chủ được không phận Ukraine, Nga vẫn phong tỏa bờ biển Ukraine nhưng không thực sự hoạt động tích cực ở đây.

Mùa hè năm 2023, Ukraine nhận được tên lửa Storm Shadow của Anh và Pháp, làm gia tăng mối đe dọa đối với Hải quân Nga. Ngày 22/9/2023, trụ sở Bộ Tư lệnh Hải quân Biển Đen của Nga đã bị chính loại tên lửa này tấn công. Như vậy, Ukraine đã đẩy mạnh hoạt động tác chiến trên biển bằng tên lửa tầm xa và xuồng tự sát (không người lái). 

Cho đến nay, Ukraine ước tính đã đánh phá khoảng 80 tàu Nga, trong đó ít nhất 25 tàu chiến bị phá hủy và 15 chiếc phải sửa chữa. Phía Nga không thừa nhận con số này. 

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Xung đột Ukraine chỉ kết thúc ở bàn đàm phán - 12

Trong diễn biến mới, đoạn ghi âm cuộc trao đổi giữa các sĩ quan Đức bị rò rỉ, cho thấy đã có những bàn luận về việc cung cấp phương tiện, vũ khí cho Ukraine để đánh vào cầu Crimea. Ông nhận định như thế nào về diễn biến này?

Cuốn băng đó đúng là bị lộ nhưng tôi không cho rằng Đức sẽ cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine, ít nhất là trong thời gian trước mắt. Nội dung cuộc trò chuyện là một số sĩ quan Đức đang bàn thảo với nhau và họ đặt ra các tình huống giả định, chưa phải quyết định của chính phủ Đức.

Nhưng cũng phải nói rằng cây cầu Crimea là mục tiêu nhạy cảm. Công trình này được Tổng thống Vladimir Putin phát động xây dựng và đích thân ông lái xe tải chạy qua cầu trong lễ khánh thành. 

Trong mấy năm xung đột vừa rồi, Nga tập trung lực lượng để giữ cây cầu này. Ukraine đã dùng tàu không người lái đánh vào đây. Cây cầu đóng vai trò đảm bảo huyết mạch giao thông, đường tiếp tế cho các mặt trận của Nga ở Ukraine. Vì thế, nếu có một quốc gia nói rằng sẽ giúp Ukraine tên lửa tấn công cầu thì động thái ấy sẽ bị phía Nga phản ứng mạnh mẽ.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Xung đột Ukraine chỉ kết thúc ở bàn đàm phán - 14

Vậy còn chiến trường trên không thì sao?

Trong hơn 2 năm qua Nga dùng tên lửa và UAV đánh phá nhiều mục tiêu nằm sâu trong nội địa Ukraine. Hệ thống phòng không của Ukraine được nhiều nước chi viện và hoạt động hết công suất, nhưng thực tế không thể chặn được hết tên lửa hoặc UAV như chúng ta đã chứng kiến. 

Một đặc điểm của xung đột Nga - Ukraine là giao tranh chủ yếu diễn ra trên bộ, nên lực lượng không quân (máy bay chiến đấu) của hai bên tuy có tham chiến nhưng ở mức độ hạn chế. Nga có lực lượng không quân mạnh hơn, tuy nhiên nhìn chung hệ thống phòng không của cả hai bên khiến máy bay không thể bay cao mà phải bay thấp nhằm tránh bị radar phát hiện.

Phòng không của Ukraine, bao gồm hệ thống S-300 từ thời Liên Xô, đã phần nào giúp đẩy lùi phạm vi hoạt động của không quân Nga ra xa hơn, từ đó giảm hiệu quả tác chiến. 

Từ năm thứ 2 xung đột, phạm vi tác chiến trên không của Ukraine đã mở rộng nhờ có tên lửa tầm xa Storm Shadow của Anh - Pháp và ATACMS của Mỹ, giúp Ukraine mở rộng tầm kiểm soát bầu trời. Ukraine cũng kêu gọi phương Tây chuyển giao máy bay chiến đấu để thay thế máy bay từ thời Liên Xô, nhưng Ukraine đã không nhận được chúng kịp thời. 

Không quân Nga có ưu thế, nhưng tôi nghĩ Ukraine sẽ tìm mọi biện pháp đối phó, ví dụ như xin viện trợ máy bay F-16, tất nhiên để triển khai thực tế thì còn khó khăn. Gần đây khi quân đội Nga tấn công ở phía đông, trong và sau trận chiến ở Avdiivka, không quân đã đảm nhận vai trò lớn hơn, máy bay chiến đấu được sử dụng nhiều hơn.

Về phía Ukraine cũng tuyên bố bắn hạ nhiều máy bay của Nga, có con số là 14 máy bay trong hai tuần. Tất nhiên đây là số liệu từ một phía, những cũng là những diễn biến trên không đáng chú ý.

Có thể nói qua cuộc xung đột đến nay chúng ta đang chứng kiến một cuộc cách mạng phòng không đang định hình cách chiến đấu của các lực lượng trên chiến trường. Đó là radar phát hiện máy bay ở tầm xa hơn, đó là tên lửa đất đối không có tầm bắn xa hơn… 

Một mặt trận nữa không thể không nói đến là tác chiến điện tử, và ở mặt trận này lại liên quan đến một bên thứ ba rất đáng quan sát. Ngay từ những tuần đầu tiên của cuộc xung đột, Ukraine đã có quyền truy cập vào dịch vụ Internet thông qua hàng trăm thiết bị đầu cuối Starlink, một nhà cung cấp đến từ Mỹ. 

Starlink giúp người dân và chính phủ Ukraine kết nối với thế giới bên ngoài, đảm bảo hoạt động của nền kinh tế và duy trì thông tin liên lạc trong hoạt động quân sự. 

Do cấu hình của Starlink, Nga không thể gây nhiễu cho hệ thống này. Tuy nhiên phía Nga bằng cách nào đó đã mua và sử dụng chính Starlink ở những vùng họ đang kiểm soát. Hiện phía nhà cung cấp dịch vụ Starlink phủ nhận thông tin này, nhưng ở góc độ quan sát thì có thể nói dịch vụ internet vệ tinh đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc xung đột cả về dân sự và quân sự.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Xung đột Ukraine chỉ kết thúc ở bàn đàm phán - 16

Những diễn biến chiến sự Nga - Ukraine được cập nhật 24/7 trên các phương tiện truyền thông cũng như mạng xã hội. Ông đánh giá như thế nào về chiến tranh thông tin liên quan đến cuộc xung đột này?

Trên mặt trận chiến tranh thông tin, người ta bao giờ cũng đưa ra thông tin có lợi nhất cho mình, có thông tin đúng nhưng cũng có những thông tin sai lệch về lịch sử và diễn biến thực tế. Thậm chí là có những kịch bản thông tin được chuẩn bị bài bản từ trước khi xảy ra xung đột; và không loại trừ sau khi xung đột chấm dứt, người ta vẫn tiếp tục nhào nặn thông tin.

Vì thế chúng ta phải tự trang bị cho mình bản lĩnh để nhìn nhận sự kiện, nhìn nhận vấn đề. Quan trọng nhất là phải nắm được bản chất các xu hướng chính trị hiện nay trên thế giới, từ đó biết ai ủng hộ xu hướng nào, lực lượng nào vì hòa bình, lực lượng nào dùng chiến tranh như công cụ để đạt được tham vọng cá nhân.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Xung đột Ukraine chỉ kết thúc ở bàn đàm phán - 18

Vậy theo ông khoảng cách để đi đến một cuộc đàm phán hòa bình giữa hai bên còn xa không, và ông đánh giá như thế nào về triển vọng này?

Hiện tại dựa vào quan điểm từng bên thì triển vọng đàm phán hòa bình rất thấp, hay nói cách khác là chiến sự chưa có dấu hiệu kết thúc.

Có một tín hiệu đáng chú ý là vai trò của Trung Quốc. Sáng kiến hòa bình của Trung Quốc không phải được tất cả các nước hoan nghênh, trong đó có Ukraine. Nhưng chính Ukraine cũng đã mời Trung Quốc tham gia vào hội nghị về đàm phán hòa bình dự kiến được tổ chức ở Thụy Sĩ vào tháng 5 này. 

Đặc phái viên của Trung Quốc là ông Lý Huy đang đi vận động một số nước, với hy vọng rằng sẽ giúp các bên hiểu rõ hơn quan điểm của nhau, từ đó có thể các bên sẽ nhân nhượng, thỏa hiệp lẫn nhau khi vào đàm phán. 

Ở góc nhìn cá nhân, nếu Nga và Ukraine không ngồi với nhau tìm một giải pháp kết thúc xung đột, nghĩa là thông qua con đường ngoại giao, thì rất khó đạt được hòa bình bền vững.

Bất kỳ câu trả lời nào cho câu hỏi về tương lai xung đột Nga - Ukraine hiện nay đều phụ thuộc vào những diễn biến của các bên liên quan, trước hết là quyết tâm của Nga và Ukraine cũng như khả năng tuyển quân, huấn luyện, trang bị và sử dụng lực lượng của mỗi bên.

Qua hơn 2 năm xung đột, thế giới cần phải rất coi trọng quyết tâm này. Tiếp theo là diễn biến về mức độ hỗ trợ của phương Tây với Ukraine, ảnh hưởng của cuộc bầu cử ở Mỹ và quan điểm của ông chủ Nhà Trắng trong tương lai.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Xung đột Ukraine chỉ kết thúc ở bàn đàm phán - 20

Nếu trong ngắn hạn chưa thể đàm phán hòa bình thì liệu có cơ hội cho một giải pháp mang tính kỹ thuật, ví dụ như ngừng bắn không, thưa ông?

Cũng đã có nước vận động Ukraine ngừng bắn, nhưng quan điểm của phía Kiev là ngừng bắn sẽ tạo điều kiện cho Nga củng cố lực lượng và tiếp tục tiến lên.

Nếu cuộc xung đột Nga - Ukraine không đi tới đàm phán hòa bình, thì cho dù đạt được ngừng bắn, giao tranh lại có thể bùng phát bất cứ lúc nào. 

Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!

Nội dung: Võ Thành, Quốc Đạt

Ảnh: Tiến Tuấn

Video: Tiến Tuấn, Phạm Tiến

Thiết kế: Thủy Tiên