Phẫu thuật thành công cho cụ bà 70 tuổi bị sa sinh dục độ 4

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Bệnh viện Đa khoa quốc tế (ĐKQT) Thu Cúc TCI vừa thực hiện thành công phẫu thuật Crossen cho một bệnh nhân nữ 70 tuổi trong tình trạng bị sa sinh dục độ 4 (mức độ nặng nhất).

Bà Đ.T. D (70 tuổi, Ninh Bình) mãn kinh 14 năm, nhập viện trong tình trạng tiểu buốt, căng tức bụng vùng hạ vị và thỉnh thoảng ra máu ở âm đạo. Qua thăm khám, các bác sĩ sản phụ khoa phát hiện phần cổ tử cung lộ ra bên ngoài, viêm sưng đỏ, phần thân tử cung nằm ở khoang âm đạo.

Bà Dung cho biết có 7 người con, đẻ thường và đã được chẩn đoán sa sinh dục từ 2 năm trước. Tuy nhiên, các triệu chứng ở thời điểm đó không rõ rệt và chỉ thi thoảng xuất hiện nên chủ quan không điều trị. Cho đến 1 năm trở lại đây, tình trạng đau tức, khó chịu xảy ra thường xuyên hơn ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày nên bà Dung tới khám tại Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI.

Phẫu thuật thành công cho cụ bà 70 tuổi bị sa sinh dục độ 4 - 1
Bệnh nhân Đ.T. D mắc sa sinh dục độ 4 kèm bệnh lý tiểu đường (Ảnh: TCI).

Dựa trên kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng, bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán bị sa sinh dục độ 4 (mức độ nặng nhất) trên nền bệnh tiểu đường và được chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp Crossen cắt tử cung qua đường âm đạo, làm lại thành trước âm đạo và thành sau âm đạo để điều trị triệt để sa sinh dục.

Vì bệnh nhân tuổi đã cao, lại có bệnh nền khiến cho sức khỏe yếu đi đáng kể. Do đó, trước khi phẫu thuật, các bác sĩ bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI đã thực hiện đầy đủ các xét nghiệm cần thiết, đảm bảo an toàn tối đa cho bệnh nhân trong quá trình thực hiện phẫu thuật.

Phẫu thuật thành công cho cụ bà 70 tuổi bị sa sinh dục độ 4 - 2
Ê-kíp bác sĩ đang tập trung trong quá trình phẫu thuật sa sinh dục (Ảnh: TCI).

Quá trình phẫu thuật diễn ra theo đúng dự kiến ban đầu, các bác sĩ đã tiến hành cắt bỏ toàn bộ tử cung thông qua đường âm đạo, khâu treo lại bàng quang, sau đó khâu các mỏm dây chằng ở hai bên lại với nhau làm thành một cấu trúc vững chắc cùng với mỏm khâu âm đạo để không cho ruột sa xuống. Sau phẫu thuật, sức khỏe bà D. tiến triển tốt và hồi phục nhanh.

Phẫu thuật thành công cho cụ bà 70 tuổi bị sa sinh dục độ 4 - 3
Sức khỏe bệnh nhân hồi phục nhanh, được xuất viện sau 3 ngày theo dõi (Ảnh: TCI).

Bác sĩ Nguyễn Văn Hà, Phó giám đốc kiêm trưởng khoa Phụ sản bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI là người trực tiếp phẫu thuật cho biết, trong các phương pháp phẫu thuật sa sinh dục, Crossen là một lựa chọn tối ưu bởi khả năng điều trị triệt để bệnh và khôi phục được thành âm đạo.

Phương pháp này phù hợp cho những người trên 45 tuổi, không còn nhu cầu sinh nở và bị sa sinh dục ở độ 2, 3. Đây là kỹ thuật khó, ít xâm lấn đòi hỏi phẫu thuật viên phải có trình độ chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm để đảm bảo an toàn, hạn chế các tai biến có thể xảy ra.

Phẫu thuật thành công cho cụ bà 70 tuổi bị sa sinh dục độ 4 - 4
Bác sĩ Nguyễn Văn Hà trao đổi với người nhà bệnh nhân sau phẫu thuật (Ảnh: TCI).

Cũng theo bác sĩ Hà, nữ giới có bàng quang, tử cung và trực tràng nằm trong tiểu khung, được hỗ trợ bởi hệ thống cơ và dây chằng trong vùng sàn chậu. Quá trình mang thai và sinh nở có thể gây tổn thương cho hệ thống nâng đỡ này, dẫn đến các vấn đề sức khỏe ở các cơ quan trong khu vực sàn chậu.

Hiện tượng sa sinh dục diễn ra khi tử cung bị tụt xuống thấp trong âm đạo hoặc thậm chí ra khỏi âm hộ, thường đi kèm với việc sa thành trước âm đạo và ảnh hưởng đến bàng quang hoặc sa thành sau âm đạo và ảnh hưởng đến trực tràng.

Thống kê từ Bộ Y tế có khoảng 10% phụ nữ Việt Nam mắc bệnh sa sinh dục (sa tử cung), đặc biệt phổ biến ở nhóm độ tuổi từ 40 đến 60. Bệnh có nhiều mức độ từ nhẹ (mức độ 1, 2) đến nặng (mức độ 3, 4), tùy theo từng mức độ ở mỗi triệu chứng mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị khác nhau.

Bệnh sa sinh dục thường xuất hiện ở phụ nữ lớn tuổi, gây mất tự tin và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh này, bao gồm việc phụ nữ sinh sớm, sinh dày và sinh nhiều con, cũng như hoạt động lao động chân tay và công việc nặng nhọc. Ngoài ra, làm việc vất vả sau khi sinh cũng có thể làm yếu tầng sinh môn ở phụ nữ khiến cho các cơ quan vùng chậu dễ bị sa ra ngoài.

Vì là bệnh vùng nhạy cảm khó nói, nhiều người thường ngần ngại chia sẻ và có tâm lý chủ quan không điều trị từ khi mới phát hiện bệnh, dẫn đến bệnh càng thêm nghiêm trọng. Để ngăn chặn những hậu quả không mong muốn, bác sĩ Hà khuyến cáo, khi phát hiện có các dấu hiệu của bệnh, chị em phụ nữ nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng tới sinh hoạt, lao động cũng như chất lượng cuộc sống.

Sức khỏe chủ động là chuyên mục do Báo Dân trí và Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI phối hợp thực hiện. Các bài viết có sự tham gia cố vấn của đội ngũ bác sĩ, chuyên gia kinh nghiệm của TCI, nhằm mang đến cho độc giả những kiến thức hữu ích về chăm sóc sức khỏe chủ động.

Tháng 12, Thu Cúc TCI ưu đãi tới 40% gói khám phụ khoa tại TCI 32 Đại Từ và 136 Nguyễn Trãi. Để biết thêm chi tiết, độc giả liên hệ hotline 19005588 92 hoặc 0936 388 288.