Vợ chồng ly hôn có phải cùng nhau trả nợ?

Xuân Hải

(Dân trí) - Theo luật sư, Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định rõ nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng...

Một bạn đọc hỏi: "Vợ tôi hay đi chơi với bạn bè về khá muộn, có lần tôi đi làm xa, 3h sáng gọi hỏi thăm thì nghe người nhà nói cô ấy đi chơi chưa về. Dù nhắc nhở nhiều lần nhưng tình hình hai vợ chồng lại càng căng thẳng, do vậy chúng tôi muốn ly hôn để giải thoát cho nhau.

Trước khi ký vào đơn ly hôn, hai vợ chồng tôi đã ngồi lại với nhau nói chuyện một lần cuối. Lúc đó tôi mới biết cô ấy có một khoản nợ 500 triệu đồng, cô ấy nói nếu vợ chồng ly hôn thì tôi phải trả 50% số nợ cho cô ấy, nhưng tôi không đồng ý.

Tôi cho rằng khoản nợ này không liên quan đến mình, vợ tôi mượn tiền để dùng chi tiêu riêng chứ không dùng chăm lo cho gia đình như cô ấy nói. Vậy, xin quý báo cho tôi biết khi ly hôn thì tôi có nghĩa vụ phải cùng trả khoản nợ này với vợ không?"

Vấn đề bạn đọc hỏi, Luật sư Nguyễn Thị Sương, Công ty Luật FDVN, xin tư vấn trả lời như sau:

Theo Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

"Điều 37. Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng

Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

1.Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2.Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

3.Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

4.Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

5.Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

6.Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan."

Đồng thời, Điều 27 Luật này tiếp tục quy định, vợ chồng chịu trách nhiệm liên đới với các nghĩa vụ nêu trên. Như vậy, nếu giao dịch chỉ cho vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện nhưng có mục đích để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ chồng cũng phải có trách nhiệm liên đới thực hiện nghĩa vụ này.

Theo thông tin mà bạn cung cấp và cho rằng khoản nợ do người vợ đã vay là khoản nợ riêng, không nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình. Nếu đúng như vậy, thì theo Điều 45 Luật Hôn nhân Gia đình 2014, khoản nợ này sẽ thuộc nghĩa vụ riêng của người vợ.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có thể đưa ra các cơ sở, căn cứ để chứng minh khoản nợ 500 triệu đồng là khoản nợ riêng của vợ, bạn không hề biết về khoản nợ này, việc xác lập quan hệ vay mượn do một mình vợ thực hiện. Đồng thời số tiền vay được người vợ không dùng vào mục đích thiết yếu của gia đình.