1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Ông Chu Lập Cơ giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan rút ruột SCB ra sao?

Xuân Duy
Đại án Vạn Thịnh Phát

(Dân trí) - Ông Chu Lập Cơ khai ký những thủ tục bảo lãnh khoản vay theo chỉ đạo của bà Lan, không có quan hệ với các cá nhân đứng tên vay vốn, chỉ ký khống các thủ tục.

Ngày đầu phiên xét xử đại án Vạn Thịnh Phát diễn ra thế nào?

Bản cáo trạng dài 160 trang

Sáng 6/3, TAND TPHCM tiếp tục phiên tòa xét xử với bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 đồng phạm. Đại diện cơ quan công tố tiếp tục công bố cáo trạng về hành vi sai phạm của nhóm bị cáo từng là cán bộ tại ngân hàng SCB và Ngân hàng Nhà nước.

Trong phiên tòa ngày 5/3, có 2 bị cáo xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe và được tòa chấp thuận. Bên cạnh đó, HĐXX cũng cho biết, trong vụ án này có 5 bị cáo đang bị truy nã, cơ quan tố tụng đã làm đầy đủ các thủ tục nên quyết định xét xử vắng mặt.

Ông Chu Lập Cơ giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan rút ruột SCB ra sao? - 1

Bên trong phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm (Ảnh: Hải Long).

Bản cáo trạng xác định, mặc dù, bị cáo Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ tại ngân hàng SCB nhưng do nắm giữ cổ phần chi phối (hơn 91% cổ phần) nên người phụ nữ này là người có quyền lực chi phối, chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của nhà băng này.

Khi nắm toàn quyền chi phối SCB, bà Lan đã có hàng loạt thủ đoạn, biến nhà băng này thành công cụ tài chính của mình.

Bằng các thủ đoạn tinh vi của mình, từ ngày 1/1/2012 đến ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ vay, giải ngân 2.527 khoản vay với hơn 1 triệu tỷ đồng. Đến ngày 17/10/2022, còn 1.284 khoản vay, dư nợ 677.286 tỷ đồng. 

Để thực hiện hành vi trên, Trương Mỹ Lan có hàng loạt thuộc cấp giúp sức cho mình thâu tóm SCB. Những người giúp sức cho bà chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị xét xử về tội Vi phạm quy định cho vay, Lợi dụng chức vụ quyền hạn...

Ông Chu Lập Cơ giúp sức cho vợ rút ruột SCB ra sao?

Theo cáo trạng, bị cáo Chu Nap Kee Eric (Chu Lập Cơ) là chồng bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), có quốc tịch HongKong (Trung Quốc). Bị cáo này là người sáng lập, có 99,26% cổ phần của Công ty cổ phần Times Square Việt Nam. Ông Cơ và vợ cùng nhau tham gia điều hành các hoạt động của công ty và triển khai dự án tòa nhà Times Square với chức năng là Khu liên hợp văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại và các công trình dịch vụ tại khu đất 22-36 Nguyễn Huệ và 57-69F Đồng Khởi (phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM).

Với công trình tòa nhà Times Square, ông Cơ đồng ý để bà Lan và Vạn Thịnh Phát thực hiện các thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng, huy động vốn, vay vốn SCB.

Năm 2009-2012, ông Cơ thống nhất với vợ sử dụng tài sản quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai tại dự án tòa nhà Times Square do Công ty cổ phần Times Square sở hữu, để đảm bảo cho các khoản vay đứng tên các cá nhân, tổ chức do bà Lan chỉ định, từ đó có tiền để đầu tư vào dự án và sử dụng vào mục đích riêng của bà Lan. Sau đó, ông Cơ với vai trò Chủ tịch HĐQT đã ký các biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, Nghị quyết chấp thuận việc thế chấp, bảo lãnh cho các khoản vay do bà Lan chỉ đạo tại SCB.

Đến năm 2017, do các khoản nợ đến hạn, ông Cơ tiếp tục ký Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông ngày 15/8 của Công ty Times Square, để đảm bảo đối với dư nợ hơn 35.000 tỷ đồng theo danh sách khách hàng khống của SCB. Ông Chu Lập Cơ khai ký những thủ tục bảo lãnh khoản vay theo chỉ đạo của bà Lan, không có quan hệ với các cá nhân đứng tên vay vốn, chỉ ký khống các thủ tục.

Theo cáo trạng, hành vi của ông Cơ gây thiệt hại hơn 39.000 tỷ đồng, bao gồm tiền gốc và lãi, của Ngân hàng SCB. Về thiệt hại cho SCB, nhà chức trách xác định tổng nghĩa vụ các khoản nợ do ông Cơ ký hợp thức thủ tục là hơn 39.000 tỷ đồng. Sau khi trừ đi giá trị tài sản đảm bảo được định giá bởi bên thứ 3 và được SCB chấp nhận, thiệt hại liên đới còn lại là hơn 9.100 tỷ đồng.

Ông Chu Lập Cơ giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan rút ruột SCB ra sao? - 2

Ông Chu Lập Cơ tại phiên tòa (Ảnh: Trung tâm Báo chí TPHCM).

Nhân viên SCB giúp Trương Mỹ Lan rút 121.778 tỷ đồng

Để thực hiện việc vay khống tài sản tại SCB, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã sử dụng các ban hành các chứng thư thẩm định giá (nâng giá, lùi ngày…). Một trong những bị cáo giúp sức cho bà chủ tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện hành vi trên là Bùi Ngọc Sơn (nhân viên Phòng Tái thẩm định Ngân hàng SCB).

Từ năm 2019 đến năm 2022, theo chỉ đạo từ lãnh đạo SCB, Bùi Ngọc Sơn đã thông qua các cá nhân để liên hệ, gửi hồ sơ, tài liệu về tài sản cần thẩm định; tiếp nhận và truyền đạt các chỉ đạo về việc nâng giá trị tài sản, ấn định ngày phát hành chứng thư thẩm định giá.

Theo cáo buộc hành vi trên của bị cáo Sơn đã vi phạm các quy định tại Khoản 3 Điều 10, Điều 29, Điều 30 Luật giá năm 2012 và các Tiêu chuẩn Thẩm định giá Việt Nam giúp cho Ngân hàng SCB hợp thức hồ sơ thế chấp tài sản đảm bảo giải ngân cho khoản vay của 68 khách hàng. vi nêu trên của Bùi Ngọc Sơn đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút tiền của Ngân hàng SCB, gây thiệt hại cho SCB số tiền là 121.778 tỷ đồng.

Cơ quan chức năng xác định trong 10 năm liên tiếp (từ 2012 đến 2022), SCB đã giải ngân cho nhóm bà Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỷ đồng - chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng. Đến năm 2022, nhóm bà Lan còn gần 1.300 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.

Hành vi của bà Lan và đồng phạm gây thiệt hại cho SCB 498.000 tỷ đồng. Bà Lan bị xác định là người chủ mưu cầm đầu trong vụ án, bị truy tố về 3 tội: Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Tham ô tài sản.

Những người còn lại bị xét xử về các tội: Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng.

Riêng bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella) bị xác định tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.