DNews

Ngày "cày" code, đêm "chế" máy bay, 3 kỹ sư IT có thu nhập bất ngờ

Sơn Nguyễn Lê Hoa

(Dân trí) - Chung niềm đam mê chế tạo máy bay mô hình, Lưu Văn Nam cùng những người bạn đã quyết định từ bỏ công việc lập trình với mức lương "khủng", đồng thời bán đất để theo đuổi ước mơ.

Ngày "cày" code, đêm "chế" máy bay, 3 kỹ sư IT có thu nhập bất ngờ

Không ít lần "ném tiền qua cửa sổ"

Năm 2013, chàng sinh viên năm nhất Đại học Công nghiệp Hà Nội Lưu Văn Nam bất ngờ xem được những video về người nước ngoài chơi máy bay mô hình trên mạng xã hội. Ngay lập tức, anh bị cuốn hút bởi sự mới lạ, độc đáo của những chiếc máy bay "lạ" nên dốc hết tiền tiết kiệm mua chiếc Su 22, với giá 9 triệu đồng.

"Ngày đó sợ bị lừa nên tôi đặt mua máy bay qua các sàn thương mại điện tử châu Âu với giá đắt gấp 5 lần hiện nay, ngồi chờ cả tháng mới nhận được hàng. Thế nhưng kinh nghiệm bấy giờ còn non nên không chỉ chiếc Su 22 mà nhiều chiếc máy bay khác khi mua về chỉ được 5-7 giây lại rơi xuống đất, tôi liên tục ném tiền "qua cửa sổ"", anh Nam chia sẻ.

Ngày cày code, đêm chế máy bay, 3 kỹ sư IT có thu nhập bất ngờ - 1

Chơi máy bay mô hình từ khi còn là sinh viên, năm 2016, anh Nam quyết định mở xưởng sản xuất ở khu đô thị Nam An Khánh (Hà Nội) để thỏa mãn đam mê và kiếm thêm thu nhập (Ảnh: Gia Đoàn).

Bất chấp những cú rơi tan nát, Nam vẫn kiên trì theo đuổi đam mê. Anh dành hàng tháng trời mày mò, học hỏi, trau dồi kiến thức và kỹ năng tại các diễn đàn về máy bay mô hình trong và ngoài nước. Sau đó, chàng sinh viên nảy ra ý tưởng tự tay chế tạo chiếc máy bay điều khiển từ xa của riêng mình.

Sau 3 tháng mày mò, chiếc máy bay Nam tự chế tạo có thể bay trong thời gian tối đa 3 phút. Tuy nhiên, những chiếc máy bay này vẫn còn nhiều hạn chế do dung lượng pin chưa được tối ưu.

Ngày cày code, đêm chế máy bay, 3 kỹ sư IT có thu nhập bất ngờ - 2

Tại tầng 1 của xưởng sản xuất, anh Nam trưng bày các máy bay mô hình dân dụng và quân sự (Ảnh: Gia Đoàn).

Vượt qua khó khăn ban đầu, anh Nam tiếp tục nghiên cứu, tự tay thiết kế lại bản vẽ, điều chỉnh các thông số kỹ thuật và miếng dán. Sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu và sáng tạo, chàng kỹ sư công nghệ thông tin đã tạo ra những chiếc máy bay mô hình đẹp mắt và có khả năng bay lượn ấn tượng.

Tuy nhiên, anh Nam nhận thấy rằng, cộng đồng yêu thích máy bay mô hình tại Việt Nam còn nhỏ bé và nhiều người đam mê nhưng không có đủ kiến thức và kỹ thuật để tự chế tạo. Chính điều này đã thôi thúc anh nảy ra ý tưởng hỗ trợ những người chơi khác vừa để thỏa mãn niềm đam mê của bản thân, vừa để kiếm thêm thu nhập.

Bán của hồi môn để khởi nghiệp

Năm 2016, Nam cùng 2 người bạn là Nhật và Tuyên cùng nhau gieo mầm cho xưởng chế tạo máy bay mô hình điều khiển từ xa. Khi ấy, Nam cũng đang có thu nhập ổn định từ công việc sáng tạo nội dung Youtube và lập trình game. Nhật và Tuyên cũng đang an nhàn với vị trí lập trình viên website tại một công ty nước ngoài với mức thu nhập 20 triệu đồng/tháng.

"Khi quyết định nghỉ việc, gia đình tôi phản đối dữ dội. Tôi cũng lúng túng, không biết giải thích làm sao cho bố mẹ hiểu vì công việc này ở Việt Nam còn khá mới mẻ. Thế nhưng, đã "đâm lao phải theo lao", tôi quyết tâm làm việc để chứng minh cho gia đình thấy", anh Nhật tâm sự.

Ngày cày code, đêm chế máy bay, 3 kỹ sư IT có thu nhập bất ngờ - 3

Anh Nhật (áo cam) từng phải bán mảnh đất bố mẹ cho để duy trì xưởng sản xuất (Ảnh: Gia Đoàn).

Những ngày đầu khởi nghiệp, ba chàng trai trẻ dốc hết túi tiền, mỗi người góp 100-200 triệu đồng để mở xưởng sản xuất. Doanh thu ít ỏi từ việc bán máy bay được dùng để nhập linh kiện, mở rộng quy mô xưởng sản xuất.

Những chiếc máy bay dòng Su-22 đầu tiên ra đời với thiết kế đơn giản, sơ sài chỉ bán 2 triệu đồng/chiếc. Công việc kinh doanh khó khăn, đơn hàng không ổn định khiến ba chàng kỹ sư trẻ không ít lần nản lòng.

"Hai năm đầu khởi nghiệp thực sự là những ngày tháng gian nan nhất với chúng tôi. Toàn bộ vốn liếng đều dồn hết vào xưởng, có những lúc tưởng chừng như kiệt quệ. Vợ tôi cũng nhiều lần phàn nàn vì trước đây mỗi tháng tôi đều đưa đủ 20 triệu tiền lương, thế nhưng khi dồn hết cho xưởng, tôi lại không có thu nhập để trang trải cho gia đình.

Năm 2018, khi công việc kinh doanh gặp khó khăn, máy bay không bán được, tôi đành quyết định bán miếng đất bố mẹ cho làm của hồi môn ở quê để có vốn cầm cự, duy trì hoạt động của xưởng", anh Nhật bồi hồi nhớ lại.

Ngày cày code, đêm chế máy bay, 3 kỹ sư IT có thu nhập bất ngờ - 4

Nhóm kỹ sư trẻ đang nỗ lực hoàn thiện chiếc máy bay Boeing lớn nhất Việt Nam với chi phí lên đến 40 triệu đồng (Ảnh: Gia Đoàn).

Mãi đến năm 2020, sau bao ngày tháng gian nan, những chiếc máy bay mô hình của ba chàng trai trẻ mới chinh phục được khách hàng. Doanh thu ngày càng tăng, xưởng sản xuất ngày càng mở rộng và ước mơ của họ cũng dần trở thành hiện thực.

Sản phẩm của họ được thị trường đón nhận nồng nhiệt, đặc biệt là khách hàng đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… Doanh thu mỗi tháng đạt khoảng 400 triệu đồng, lợi nhuận 20%.

Hơn thế nữa, họ còn tạo việc làm cho gần 10 sinh viên đam mê mô hình với mức thu nhập 7-8 triệu đồng/tháng.

Ngày cày code, đêm chế máy bay, 3 kỹ sư IT có thu nhập bất ngờ - 5

Sau nhiều năm nỗ lực và không ngừng sáng tạo, nhóm của Nam đã gặt hái được thành công, chinh phục được nhiều khách hàng khó tính trong và ngoài nước (Ảnh: Gia Đoàn).

"Hiện nay, chúng tôi có 200 mô hình máy bay đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Dòng Su là "vedeta" với doanh thu 100 chiếc mỗi tháng, đặc biệt được ưa chuộng tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… bởi giá cả phải chăng và dễ vận chuyển", anh Nam chia sẻ.

Đặc biệt, nhóm kỹ sư trẻ đang nỗ lực hoàn thiện chiếc máy bay Boeing lớn nhất Việt Nam với chi phí lên đến 40 triệu đồng.