1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Việt Nam và EU ngồi lại, cùng tìm cách phát triển kinh tế xanh

Văn Hưng
Kinh tế bền vững

(Dân trí) - Các nhà khoa học Việt Nam và EU đã cùng nhau đánh giá, đưa ra các luận cứ khoa học, giải pháp hướng tới mục tiêu thúc đẩy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại Diễn đàn Kinh tế và Thương mại Việt Nam - EU 2023 do Trường đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức mới đây, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết hơn 20 năm qua, EU là một trong những khu vực dẫn đầu thế giới trong việc ủng hộ, thúc đẩy và áp dụng các sáng kiến chính sách liên quan đến phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu. 

"Việt Nam được đánh giá là một trong những nước chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu. Những kinh nghiệm của các quốc gia đi trước như EU là vô cùng quý báu đối với tiến trình hiện thực hóa mục tiêu trên của Việt Nam", ông Nguyễn Trúc Lê nói.

Trong phiên thảo luận Chính sách nền kinh tế xanh và nền kinh tế carbon thấp tại các nước Việt Nam và EU, các chuyên gia đã đưa ra các tham luận có liên quan đến chuyển đổi năng lượng tái tạo, cơ chế định giá carbon, sáng kiến kinh tế tuần hoàn, đầu tư cơ sở hạ tầng xanh và thích ứng với khí hậu và khả năng phục hồi.

Việt Nam và EU ngồi lại, cùng tìm cách phát triển kinh tế xanh - 1

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: UEB).

TS Phạm Năng Thắng, Đại học Mở TPHCM, đưa ra những lập luận để chứng minh ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường và phát triển thương mại đến tăng trưởng kinh tế. Vị chuyên gia thực hiện khảo sát dựa trên số liệu của 49 quốc gia đang phát triển, giai đoạn 2005-2022.

Từ các biến số như độ mở của nền kinh tế, ô nhiễm môi trường, FDI, lạm phát, nợ nước ngoài… để xây dựng thành phương trình kinh tế, TS Phạm Năng Thắng cho rằng tại các quốc gia đang phát triển, ô nhiễm môi trường cùng chiều với phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đến thời điểm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, nền kinh tế sẽ phải chịu áp lực rất lớn để xử lý.

Tương tự, độ mở của kinh tế tác động tích cực lên phát triển kinh tế trong cả ngắn hạn và dài hạn, tất nhiên các quốc gia sẽ phải đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn từ bên ngoài. Chỉ số FDI cũng tỷ lệ thuận với phát triển kinh tế, nước ngoài càng đầu tư vào trong nước, càng tạo ra công ăn việc làm và giá trị thặng dư.

Trong khi đó, lạm phát và nợ nước ngoài là những yếu tố tiêu cực, tác động ngược chiều với phát triển kinh tế.

Liên quan đến chính sách nền kinh tế xanh, ông Bartosz Cieleszynski, Phó trưởng Ban Thương mại Phái đoàn EU tại Việt Nam, nhấn mạnh EU coi thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong 3 trọng tâm của chương trình hợp tác với Việt Nam trong giai đoạn 2021-2027.

Việt Nam và EU cũng đã triển khai nhiều dự án hợp tác trong các lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, xây dựng và hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực, chuyển đổi năng lượng cân bằng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Theo ông Bartosz Cieleszynski, mối quan hệ giữa châu Âu và châu Á và mối quan hệ giữa Việt Nam và EU là một mối quan hệ được định hình bởi hàng loạt các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường. Sự gia tăng của toàn cầu hóa, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hình mối quan hệ này.

Khi thế giới tiếp tục thay đổi và xuất hiện những thách thức mới, châu Âu và châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ cần phải tiếp tục hợp tác để đối phó với những thách thức này và thúc đẩy sự phát triển kinh tế và phát triển bền vững.

Dòng sự kiện: Kinh tế bền vững