1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Chủ tịch Rồng Việt: Với số vốn 2.100 tỷ đồng, vị thế công ty khá khiêm tốn

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Chủ tịch Chứng khoán Rồng Việt cho rằng công ty cần tăng vốn để tăng năng lực cạnh tranh. Năm nay, doanh nghiệp đặt kế hoạch tăng vốn lên 3.240 tỷ đồng.

Chiều nay (8/4), Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2024.

Tại đại hội này, HĐQT trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ từ 2.100 tỷ đồng lên mức 3.240 tỷ đồng. Ông Nguyễn Miên Tuấn - Chủ tịch HĐQT - nói việc tăng vốn là cần thiết. Năm 2022, công ty có 1 đợt tăng vốn lên 2.100 tỷ đồng và giữ nguyên đến nay.

Với số vốn này, vị thế của Rồng Việt khá khiêm tốn, đứng thứ 25 trong số các công ty chứng khoán cùng ngành. Sự khiêm tốn về năng lực tài chính khiến một số hoạt động của công ty bị ảnh hưởng. Năm 2023, tỷ lệ lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) khoảng 14,7%, ở top đầu ngành nhưng năng lực cạnh tranh lại có hạn.

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, nhiều công ty chứng khoán đang đặt mục tiêu tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng hoặc hơn nữa. Mức vốn 5.000-6.000 tỷ đồng là phổ biến trên thị trường. Do đó, Rồng Việt cần tăng vốn để tăng năng lực cạnh tranh.

Chủ tịch Rồng Việt: Với số vốn 2.100 tỷ đồng, vị thế công ty khá khiêm tốn  - 1

Ông Nguyễn Miên Tuấn - Chủ tịch HĐQT - nói Rồng Việt cần tăng vốn để tăng năng lực cạnh tranh (Ảnh: VDSC).

Theo kế hoạch, công ty chứng khoán này sẽ phát hành tối đa 114 triệu cổ phiếu để tăng vốn, theo 2 đợt. Đợt 1, công ty dự kiến phát hành 24,15 triệu cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành 8,85 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

Đợt 2, công ty chào bán tối đa 81 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư. Giá chào bán không thấp hơn giá thị trường tại thời điểm chào bán hoặc giá trị sổ sách của công ty tại thời điểm gần nhất.

Tổng số tiền thu được sẽ được công ty cân đối sử dụng cho các hoạt động giao dịch ký quỹ hoặc ứng trước, tự doanh hoặc bảo lãnh phát hành và tham gia hoạt động thị trường trái phiếu.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Tổng giám đốc VDSC - cho biết kinh tế vĩ mô năm nay được kỳ vọng tiếp tục ổn định và phục hồi đà tăng trưởng. Thị trường chứng khoán dự báo sẽ tăng trưởng tích cực nhờ kinh tế vĩ mô phục hồi, môi trường lãi suất thấp, triển vọng nâng hạng thị trường và hệ thống KRX đưa vào vận hành.

Rồng Việt nhận định chỉ số VN-Index dao động trong khoảng 1.080-1.380 điểm với mức thanh khoản bình quân 18.000-20.000 tỷ đồng/phiên. Tuy vậy, thị trường có thể có những rủi ro ngắn hạn do các hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế trong nước và những biến động khó dự báo của kinh tế thế giới.

Hội đồng quản trị (HĐQT) trình cổ đông mục tiêu năm nay với doanh thu 983 tỷ đồng, tăng 18% so với thực hiện năm trước; lợi nhuận sau thuế 288 tỷ đồng, giảm 13%.

Trước đó, năm 2023, công ty đạt doanh thu 831 tỷ đồng, giảm gần 4% so với năm trước và thực hiện 93% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 330 tỷ đồng, vượt 52% kế hoạch năm.

Bà Huyền cho rằng hệ thống KRX có thể vận hành vào đầu tháng 5 theo kế hoạch chung của ngành. Theo thông tin lãnh đạo Rồng Việt có được, các công ty chứng khoán tham gia đợt chạy thử nghiệm KRX lần này đều hoàn thành 100% kết quả.

KRX có nhiều sản phẩm mới như giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về... Tuy nhiên đến nay, Rồng Việt chưa nhận được hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý. Nên đầu tháng 5, KRX có thể vận hành hệ thống theo chuẩn giao dịch, các loại lệnh mới, thời gian khớp lệnh, phương thức khớp lệnh, còn việc triển khai sản phẩm mới chưa có lộ trình cụ thể.

"Việc làm sản phẩm mới có thể tăng thanh khoản thị trường và Rồng Việt là một trong các công ty chứng khoán được hưởng lợi", bà Huyền nói.

Nhiều công ty chứng khoán lên kế hoạch tăng vốn cho năm nay. Công ty chứng khoán MB (MBS) có mục tiêu tăng vốn lên 5.758 tỷ đồng, Chứng khoán Vietcap muốn tăng vốn lên 7.200 tỷ đồng, Công ty chứng khoán LPBank (LPBS) muốn tăng vốn lên 3.888 tỷ đồng. Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) được chấp thuận tăng vốn lên 7.000 tỷ đồng.