Giới trẻ Việt không "hào hứng" ăn thịt chó, mèo?

Trường Thịnh

(Dân trí) - Vừa qua, tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu - FOUR PAWS công bố kết quả cuộc khảo sát về nạn buôn bán thịt chó và mèo tại Việt Nam. Theo đó, có đến 95% người dân Việt Nam cho rằng ăn thịt chó, mèo không phải là một phần của văn hóa Việt Nam

Nhằm tìm hiểu về tình hình buôn bán thịt chó và mèo tại Việt Nam, năm 2021, FOUR PAWS đã thực hiện cuộc khảo sát tại các khu vực Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng từ những nhóm người ngẫu nhiên, ở các độ tuổi, giới tính, tình trạng hôn nhân và thành phần xã hội khác nhau.

Giới trẻ Việt không hào hứng ăn thịt chó, mèo? - 1

Kết quả khảo sát cho thấy có đến 95% trong số người được hỏi, trả lời cho rằng việc ăn thịt chó, mèo không phải là một phần của văn hóa Việt Nam và muốn hành động chống lại nạn buôn bán thịt chó, mèo. Đáng chú ý, trong số người được khảo sát, có đến 88% người Việt Nam sẽ ủng hộ lệnh cấm nạn buôn bán thịt chó, mèo.

Người Việt Nam ngày nay, nhất là thế hệ trẻ, không ủng hộ việc tiêu thụ thịt vật nuôi cảnh vì ngày càng có nhiều người nuôi thú cưng, coi chó mèo như một thành viên không thể thiếu trong gia đình. Những chủ thú cưng tại Việt Nam hết sức đau lòng khi chó mèo của họ bị trộm cắp và giết hại trong các lò mổ.

Trong quá trình thu thập ý kiến của người dân Việt Nam về nạn buôn bán thịt chó, mèo "Đây không phải Việt Nam", tổ chức FOUR PAWS đã tập trung phỏng vấn các bạn trẻ ở độ tuổi dưới 35, và hầu như tất cả đều cho rằng chó, mèo là bạn, ăn thịt chó mèo không đại diện cho văn hóa Việt khi cùng được hỏi: "Ăn thịt chó mèo có phải là một phần văn hóa của Việt Nam?"

Giới trẻ Việt không hào hứng ăn thịt chó, mèo? - 2

Chị Phương Thảo, 22 tuổi (TPHCM) nói: "Bản thân tôi là người yêu động vật, tôi có nuôi 2 con mèo và coi chó mèo như những người bạn thân thiết trong nhà. Theo tôi ăn thịt chó mèo chỉ là thói quen của một bộ phận nhỏ những người thế hệ trước, còn tôi và các bạn của mình không ăn bao giờ ăn thịt những người bạn".

Theo FOUR PAWS, hàng năm ước tính có khoảng năm triệu cá thể chó và một triệu cá thể mèo bị giết hại để lấy thịt ở Việt Nam. Vấn nạn buôn bán thịt chó mèo ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng không chỉ gây tranh cãi, mà còn tiềm ẩn nhiều mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng, nhất là bệnh dại và sự xuất hiện của các dịch bệnh khác.

Việc buôn bán thịt chó, mèo vẫn đang diễn ra tràn lan ở Việt Nam, các cuộc điều tra do FOUR PAWS thực hiện đã chỉ ra rằng chỉ có 6,3% người Việt Nam tiêu thụ thịt chó, mèo nhưng có đến 88% công chúng ủng hộ chính phủ ban hành lệnh cấm buôn bán thịt chó, mèo.

"Vấn đề này hiện đang được nhiều người quan tâm, nhất là giới trẻ. Đã có tranh cãi nổ ra nhưng theo tôi việc ăn thịt chó, mèo làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Xã hội ngày càng phát triển, nếu ăn thịt chó mèo chỉ là sở thích hay thói quen của một số người thì nên loại bỏ để phù hợp với xu thế, hòa nhập với văn hóa thế giới. Vì vậy, tôi ủng hộ chính phủ ra văn bản cấm buôn bán thịt chó mèo". Anh Bùi Anh Đức, 20 tuổi, hiện đang là sinh viên tại Hà Nội bày tỏ ý kiến của mình.

Gần đây, trong một thỏa thuận mang tính lịch sử giữa UBND Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam và tổ chức Four Paws, Hội An đã trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam nói không với tiêu thụ thịt chó, mèo, hướng tới thành phố du lịch thân thiện.

Ngay sau khi ký thỏa thuận với Hội An, giữa tháng 12/2021, FOUR PAWS đã phát động chiến dịch lớn "Đây không phải Việt Nam" nhằm kêu gọi người dân Việt Nam cùng hành động chống lại nạn buôn bán thịt chó, mèo tàn nhẫn và dã man.

Chiến dịch mang tên "Đây không phải Việt Nam", thể hiện sự phản đối của người Việt Nam đối với việc buôn bán chó, mèo để lấy thịt một cách tàn nhẫn và dã man.

Tại website: thisisnotvietnam.org chỉ sau một thời gian ngắn phát động, đến nay chiến dịch "Đây không phải Việt Nam" đã có hơn 28 nghìn người Việt Nam đăng ký ủng hộ.

FOUR PAWS cho biết, sẽ quyết tâm chấm dứt nạn buôn bán thịt chó và mèo ở Đông Nam Á thông qua sự hợp tác của Chính phủ, hỗ trợ các chương trình chăm sóc động vật hoang dã tại địa phương, tiến hành cứu hộ và đóng cửa lò mổ, đồng thời nâng cao nhận thức về rủi ro của nạn buôn bán này.