Chàng trai miền Tây bỏ lương cao, về quê kéo mẹ khỏi "vũng lầy" trầm cảm

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Dù có công việc tốt, thu nhập cao ở thành phố, nhưng nhận thấy dấu hiệu trầm cảm của mẹ ngày càng nặng, Chiêu quyết tâm bỏ việc, về quê tìm lại nụ cười cho mẹ.

Khoảng nửa năm nay, bà Nguyễn Thị Trinh (45 tuổi, ngụ tỉnh An Giang) như trở thành một con người khác, vui tươi, sôi nổi và đầy năng lượng.

Bà Trinh có một tài khoản mạng xã hội, với điệu cười rạng rỡ trở thành thương hiệu đã thu hút hơn 1,2 triệu lượt thích, hơn 86 nghìn người theo dõi.

Chàng trai miền Tây bỏ lương cao, về quê kéo mẹ khỏi vũng lầy trầm cảm - 1

Bà Trinh luôn xuất hiện trên mạng xã hội với nụ cười thương hiệu (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Thế nhưng ít ai biết, trong thời gian gần 30 năm trước đó, người phụ nữ luôn trong trạng thái "sợ hãi xã hội", không dám giao tiếp và luôn tìm cách lảng tránh mọi người.

Người phụ nữ "nép mình" gần 30 năm sau đổ vỡ hôn nhân

Bà Trinh kể, bà lấy chồng năm 18 tuổi, nhà chồng với nhà mẹ đẻ chỉ cách một con sông. Cưới được chừng nửa năm, đang có bầu nhưng thấy không thể ở cùng nhau được nữa, bà Trinh đành bơi xuồng trở ngược bến sông dù chịu điều tiếng người đời.

"Lúc đó còn trẻ lắm, một mình sinh con, tủi hổ, vất vả trăm bề. Tôi chỉ biết cúi mặt làm từ lúc trời chưa sáng cho đến khi mặt trời đã lặn, để vừa có tiền nuôi con, vừa tránh ánh mắt người khác.

Dần dần, tôi sợ giao tiếp, luôn giật mình, run bần bật khi đứng trước mặt người khác. Ở trong nhà mình nhưng cũng chỉ dám nép ở cửa nhìn ra, có người đi ngang tôi liền rụt đầu vào trốn", bà Trinh nhớ lại.

Những năm tháng khó khăn, bà Trinh đã làm hết những việc mà người ta nghĩ rằng chỉ đàn ông mới làm được. Đào đất, chặt cây, làm rẫy, nuôi vịt… đủ cả, chỉ cần việc kiếm được tiền nuôi con là bà Trinh không ngần ngại.

Khi con trai lên TPHCM học đại học, chỉ còn bà Trinh ở nhà một mình. Người để có thể giao tiếp bình thường không còn ở cạnh, khiến tình trạng tâm lý của bà Trinh càng trầm trọng.

Chàng trai miền Tây bỏ lương cao, về quê kéo mẹ khỏi vũng lầy trầm cảm - 2

Người phụ nữ luôn rạng rỡ khiến không ai nghĩ bà từng có dấu hiệu trầm cảm nặng (Ảnh: NVCC).

"Không ở gần con sống không được", bà Trinh khăn gói lên thành phố, nhờ người quen xin vào làm quét dọn trong công trường xây dựng. Công việc chỉ bắt đầu khi công nhân đã rời đi nên không phải giao tiếp nhiều.

"Một thời gian, 2 mẹ con ra mở quán cơm. Tôi chỉ biết đứng im nướng thịt từ sáng đến chiều, không dám ngước lên nhìn khách. Kiếm được tiền, nhưng thấy tôi không ổn nên đầu năm nay 2 mẹ con đã dẫn nhau về quê", bà Trinh kể.

Quyết tìm lại nụ cười cho mẹ

Nói về câu chuyện của gia đình, Phan Văn Chiêu (27 tuổi, con trai bà Trinh) nhớ lại: "Khi tôi còn rất nhỏ đã thấy mẹ luôn e dè, sợ hãi đám đông. Mẹ luôn thu mình lại, chỉ làm và làm để nuôi tôi.

Tôi chưa bao giờ thấy thua thiệt với bạn vì mẹ sẵn sáng cho tôi mọi thứ. Trước đây tôi từng nghĩ sẽ học thật giỏi, đưa mẹ lên thành phố để cuộc sống tốt hơn. Nhưng sau này tôi nhận ra mẹ thuộc về đồng ruộng, nên tôi bỏ tất cả để về quê cùng mẹ".

Chiêu chia sẻ, thời sinh viên anh đi làm thêm rất nhiều, nhưng vẫn học tốt. Anh tốt nghiệp trước thời hạn 1 năm, được trường giữ lại làm việc.

Chàng trai miền Tây bỏ lương cao, về quê kéo mẹ khỏi vũng lầy trầm cảm - 3

Nửa năm nay, bà Trinh đã tự tin chia sẻ cảm xúc, tương tác với bất kỳ ai (Ảnh: NVCC).

Công tác trong trường đại học một thời gian, Chiêu cũng kịp học xong thạc sĩ. Thấy không hợp môi trường sư phạm, anh chuyển ra ngoài làm kinh doanh và "kiếm tiền rất tốt".

Có một khoản vốn, anh mở quán cơm tấm để mẹ con tự chủ thời gian. Quán đông khách nên đời sống vật chất ngày càng tốt lên nhiều.

Nhưng rồi chàng trai quyết định bỏ tất cả để về quê cùng mẹ.

"Năm ngoái, dù không đi khám nhưng tôi biết mẹ đang bị trầm cảm nặng. Tôi đã nghĩ rất nhiều, mình kiếm tiền để làm gì khi mẹ không được sống vui vẻ. Có đắn đo nhưng rồi tôi quyết định bỏ tất cả để về quê. Lúc đó cũng không rõ về quê sẽ làm gì nhưng vẫn quyết tâm", anh Chiêu nói.

Thấy mẹ không thể nói chuyện trực tiếp với người khác, Chiêu lập tài khoản mạng xã hội để bà Trinh tương tác với cộng đồng trên không gian ảo. Dù vậy, thời gian đầu bà Trinh cũng chỉ nhìn màn hình, thỉnh thoảng mím môi định cười rồi vẻ mặt lại cứng đơ như tượng.

Để tăng hiệu quả, Chiêu đưa mẹ lên biên giới quay lại những trải nghiệm thú vị trên cánh đồng thốt nốt. Đoạn clip sau khi chia sẻ đã đạt 3 triệu lượt xem, hàng ngàn lượt bình luận. Bà Trinh nhìn thành quả rồi bất ngờ cười lên thành tiếng, Chiêu cũng hạnh phúc vì lần đầu thấy mẹ vui vẻ sau gần 30 năm ròng.

"Ban đầu mẹ không dám đi, không dám thử đụng vô cái gì cả, không dám đứng trước máy quay. Dần dần, mẹ bắt đầu thoại những câu chừng 5 đến 10 chữ. Rồi dần dần, mẹ hòa đồng, tự tin hơn.

Lần đi Tây Nguyên, ngồi trên xe mẹ đã bắt chuyện với mọi người, tôi mừng phát khóc! Còn bây giờ mẹ có thể nói chuyện với bất kỳ ai, khi nào cũng thấy mẹ đang cười. Tôi nghĩ mình đã đúng khi về quê cùng mẹ", chàng trai chia sẻ.

Để có thu nhập, Chiêu và mẹ bán hàng bằng tài khoản mạng xã hội của bà Trinh. Được mọi người yêu mến, Chiêu cho biết có những tháng 2 mẹ con bán được hơn 500 triệu đồng.

Chàng trai miền Tây bỏ lương cao, về quê kéo mẹ khỏi vũng lầy trầm cảm - 4

Chiêu và mẹ chia sẻ câu chuyện của mình (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Dù sao cũng cần thu nhập, tôi thử bán nông sản trên kênh của mẹ, may mắn được mọi người ủng hộ. Để có tương tác tốt nhất, 2 mẹ con luôn chỉn chu trong từng clip, tìm hiểu sản phẩm chuẩn chỉnh và chia sẻ thật lòng về trải nghiệm của mình.

Chúng tôi đi khắp từ Nam ra Bắc để vừa du lịch vừa làm những clip giới thiệu nông sản. Mẹ rất vui, công việc vừa mang lại thu nhập, lại giúp được bà con bán hàng nên chắc chắn tôi sẽ duy trì trong thời gian tới", Chiêu nói.