Vụ nam thanh niên truy sát bố bạn gái ngày ra mắt: Những tình huống pháp lý

Thế Hưng

(Dân trí) - Chỉ vì mâu thuẫn trong bữa cơm ra mắt gia đình bạn gái, T. cầm dao chém bố và cậu ruột người yêu... Luật sư đã phân tích những tình huống T. có thể phải đối diện sau vụ việc.

Chém bố và cậu người yêu vì mâu thuẫn

Đề cập sự việc nam thanh niên chém bố bạn gái ở Thái Bình, TS, LS. Đặng Văn Cường, Trưởng VPLS Chính Pháp, đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, đây là sự việc vi phạm đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm. Cũng theo LS. Cường, đối tượng gây thương tích cho hai người nhà bạn gái có thể bị xử lý hình sự về tội giết người hoặc tội cố ý gây thương tích.

Trước đó, theo thông tin từ Công an thành phố Thái Bình, vào khoảng hơn 18h ngày 24/10, tại siêu thị điện máy D.N. cũng là nhà riêng của gia đình ông N.V.D. (47 tuổi), ở khu đô thị Đam San Phú Xuân, xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình, gia đình ông D. tổ chức mời một số người thân tới ăn cơm tối.

Vụ nam thanh niên truy sát bố bạn gái ngày ra mắt: Những tình huống pháp lý - 1

Lực lượng chức năng đến hiện trường giải quyết vụ việc (Ảnh: CTV).

Trong bữa cơm có T.Q.T. (19 tuổi), trú huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, là bạn trai của con gái ông D.. Trong bữa cơm, giữa T. và gia đình bạn gái xảy ra  lời qua tiếng lại. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi T. cầm dao chém ông N.V.D.

Thấy vậy, anh Đ.V.Q. (29 tuổi) là em vợ ông D. lao vào can ngăn, liền bị T. vung dao chém tới tấp. Hậu quả cả ông D. và anh Q. bị trọng thương.

Phân tích vụ việc trên, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, trường hợp sau khi ra mắt mà không được sự đồng ý của phụ huynh, thường các bạn trẻ cảm thấy buồn và tìm cách chứng minh cho tình cảm, đạo đức và năng lực bản thân, muốn được hai bên gia đình chấp thuận. 

Chuyện bạn trai đến ra mắt rồi đánh bố bạn gái là chuyện xưa nay hiếm, đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật. 

Cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của các bên có liên quan, xác định hậu quả đã gây ra đối với các nạn nhân và xã hội để có hình thức xử lý phù hợp quy định của pháp luật.

Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy đối tượng này đã sử dụng dao chém vào những vùng trọng yếu của nạn nhân như vùng đầu, cổ, ngực... với nhận thức là hành vi có thể tước đoạt tính mạng của nạn nhân nhưng vẫn cố ý thực hiện, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra, nạn nhân không chết do được cấp cứu kịp thời thì đối tượng này cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội giết người theo quy định tại điều 123 bộ luật hình sự.

Trong trường hợp xử lý về tội giết người, đối tượng đã 19 tuổi nên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị áp dụng nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là hành vi có tính chất côn đồ (theo điểm n) và giết từ 02 người trở lên (theo điểm a, khoản 1, Điều 123 BLHS) nên hình phạt sẽ là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Trường hợp nạn nhân không chết thì đối tượng này được áp dụng tình tiết phạm tội chưa đạt và hình phạt sẽ là tù có thời hạn cao nhất đến 20 năm tù. Cụ thể, khoản 3, Điều 57 BLHS quy định "Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định".

Trong trường hợp kết quả điều tra cho thấy chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự về tội giết người thì đối tượng này cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 bộ luật hình sự. Mức hình phạt cụ thể sẽ phụ thuộc vào mức độ thương tích của nạn nhân, phụ thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 50 BLHS.

Nhiều người trẻ phạm tội

Theo luật sư Cường, thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ án mạng liên quan đến mâu thuẫn tình cảm, đôi khi chỉ vì những lý do nhỏ nhặt mà đối tượng đã ra tay sát hại nạn nhân một cách tàn nhẫn, hành vi có tính chất côn đồ.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến những vụ án mạng như vậy, trong đó có thể kể đến như:

Đối tượng gây án thường là người trẻ tuổi, về mặt tâm sinh lý thì người trẻ tuổi chưa có suy nghĩ chín chắn, chưa từng trải, thiếu kỹ năng sống nên dễ bị kích động, dễ bị lôi kéo. Ở độ tuổi này, người trẻ khi có mâu thuẫn xảy ra thì dễ bị cảm xúc chi phối, không kiểm soát được cảm xúc bản thân nên thực hiện hành vi thiếu suy nghĩ, thiếu chín chắn, vi phạm pháp luật.

Với những người trẻ tuổi, đặc biệt là với những thanh niên mới lớn hay muốn thể hiện bản thân, muốn chứng tỏ mình trước xã hội, trong đó không loại trừ trường hợp gây rối, hành hung người khác để chứng tỏ bản thân mình.

Vụ nam thanh niên truy sát bố bạn gái ngày ra mắt: Những tình huống pháp lý - 2

TS, LS. Đặng Văn Cường, Trưởng VPLS Chính Pháp, đoàn luật sư Hà Nội.

Với những thanh thiếu niên sống trong gia đình bất hòa, thường xuyên chứng kiến cảnh bạo lực thì cũng sẽ bị ảnh hưởng đến tâm lý và nhân cách. Những đứa trẻ lớn lên trong những gia đình như vậy có thể sẽ bế tắc trong cách giải quyết mâu thuẫn và cũng sẽ lựa chọn bạo lực làm cách giải quyết.

Những thanh thiếu niên nghiện chơi game, đặc biệt là các trò game bạo lực có cảnh chém giết làm ảnh hưởng đến tâm lý và sẽ xem nhẹ hành vi gây ra thương tích, sát hại người khác nên thực hiện hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe người khác một cách rất lạnh lùng.

Những thanh thiếu niên sống trong môi trường gia đình được bố mẹ nuông chiều, luôn được đáp ứng mọi nguyện vọng, luôn nhận được sự cung phụng, giúp đỡ, hỗ trợ từ người khác có thể không biết chia sẻ, giúp đỡ người khác. Những đứa trẻ sống trong cảnh luôn chiều như vậy có suy nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ, mọi người đều phải phục tùng mình, đáp ứng mình vô điều kiện... Cho đến khi lớn lên, họ hình thành nhân cách, suy nghĩ lệch lạc. Khi bước vào mối quan hệ yêu đương, xảy ra mâu thuẫn thì rất dễ thực hiện những hành vi tiêu cực khi mình không thỏa mãn được nhu cầu vật chất và cảm xúc.

Những vụ việc gần đây cho thấy tư duy "sở hữu người yêu", "không ăn được thì đạp đổ" đã trở thành xu hướng của một số người trẻ hiện nay. Khi đã yêu rồi mà chia tay thì nhiều đối tượng không đành lòng, sẵn sàng ra tay sát hại bạn tình để trả thù chỉ vì lòng ích kỷ, đố kỵ, thiếu lòng nhân ái.

Bởi vậy, để giảm thiểu những vụ án mạng nghiêm trọng như vậy thì cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng thanh thiếu niên.

Cần phải quan tâm hơn nữa đến nhóm thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt, những đối tượng dễ bị lôi kéo kích động hoặc những đối tượng có diễn biến tâm lý bất thường.

Các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn nữa đến con cái, phải đặc biệt là tạo điều kiện cho các con rèn luyện đạo đức, trí tuệ, nghị lực, rèn luyện kỹ năng sống để có thể vượt qua được những tình huống mâu thuẫn, xung đột trong cuộc sống.

Về lâu dài thì cần phải cải cách giáo dục, phải đổi mới giáo dục để tăng cường hơn nữa mục tiêu giáo dục đạo đức, lối sống, sự nhân văn, nhân đạo trong mỗi con người. Khi đạo đức, văn hóa của từng công dân được nâng lên, xã hội có những chuẩn mực đạo đức để người ta dễ nhận diện, dễ làm theo, học theo thì khi đó tội phạm sẽ giảm đi.