Kinh hãi trò chơi team building gợi dục đổi lấy những tràng cười vô bổ

Khả Vân

(Dân trí) - Nhiều trò chơi team building gợi dục, phản cảm... chỉ để đám đông có những tràng cười vô bổ, thiếu trong sáng và hời hợt, trong khi hậu quả để lại thì không hề nhỏ.

Sau một loạt video được đăng tải trên mạng xã hội những ngày qua về những trò chơi team building gợi dục, thiếu lành mạnh, thiếu chuẩn mực lẫn phản cảm, nhiều ý kiến cho rằng, đây không chỉ đơn giản là trò chơi mang yếu tố gây cười cho khách của các đơn vị tổ chức...

Dư luận rất bức xúc với những trò chơi team building như vậy và vấn đề này đã được nêu lên tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày hôm qua, 10/8.

Nêu quan điểm về những trò chơi kể trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: "Chúng tôi không khuyến khích và sẽ kiểm tra trong các công ty du lịch, nếu trường hợp nào đứng ra tổ chức những trò chơi phản cảm thì sẽ bị xử lý nghiêm túc".

Từ ý nghĩa tốt đẹp ban đầu đến sự "sáng tạo quá lố"

Theo chị Hà Phương, lãnh đạo một doanh nghiệp lữ hành và tổ chức sự kiện, về mặt tích cực, team building giúp tạo sự gắn kết, đoàn kết trong tổ chức bởi mỗi khi tham gia team building, các cá nhân trong một tập thể sẽ có khoảng vài ngày đến một tuần để vui chơi, hoạt động cùng nhau. Do đó, đây là dịp để mọi người thấu hiểu nhau hơn, dễ dàng gắn kết, làm việc trong tập thể sau này.

Kinh hãi trò chơi team building gợi dục đổi lấy những tràng cười vô bổ - 1

Về mặt tích cực, team building giúp tạo sự gắn kết, đoàn kết trong tổ chức (Ảnh minh họa).

Đặc biệt, trong những trò chơi team building chia thành các đội, mọi người sẽ học được cách làm việc nhóm, tăng tính đoàn kết, biết chia sẻ khó khăn và cùng nỗ lực vì thành tích chung. Đây đều là những điều cực kỳ tốt để mỗi cá nhân cùng nhau giúp doanh nghiệp, tổ chức không ngừng phát triển.

Thông qua các trò chơi team building, ban tổ chức sẽ truyền tải đến các thành viên những câu slogan, chủ đề nhằm để họ thấu hiểu hơn về doanh nghiệp, tổ chức mình đang làm việc. Từ team building, doanh nghiệp hay tổ chức sẽ một lần nữa nhắc nhớ đến các thành viên sứ mệnh hoạt động, yếu tố giá trị cốt lõi của nơi mà mình đang cống hiến sức trẻ, sự sáng tạo...

Tuy nhiên, do một số đơn vị tổ chức sự kiện đã làm biến tướng mục đích tốt đẹp đó của team building mà giờ đây không phải ai cũng thích thú những trò chơi này, đôi khi nó khiến người ta "ngượng chín mặt" vì sự "sáng tạo quá mức". Thậm chí nhiều trò chơi team building bị chỉ trích và lên án vì sự biến tướng của khâu tổ chức, quản trò đã khiến chúng trở thành những trò lố lăng, phản cảm phục vụ cho mục đích quay phim, chụp hình, câu view, câu like.

"MC team building hiện nay đa số là rất ít được đào tạo và rèn luyện về đạo đức, tác phong, cách tổ chức một trò chơi mang tính tập thể", chị Phương cho biết.

Chị Thanh Hòa, cán bộ một tập đoàn hóa chất lớn có văn phòng đại diện tại Việt Nam chia sẻ, team building là một thực tế đáng buồn và đáng báo động trong hoạt động mang tính tập thể hiện nay của giới trẻ. Bản thân chị quan sát  rất nhiều hoạt động tập thể như team building, giao lưu, tiệc tùng,.. mà nhiều đơn vị tổ chức và nhận thấy, họ rất lạm dụng những trò chơi thiếu lành mạnh, thiếu chuẩn mực lẫn phản cảm.

Người MC, người quản trò hay người dẫn dắt thường lôi kéo đám đông hưởng ứng những trò chơi lố bịch, phản cảm, dung tục hoặc nhố nhăng khiến không ít cô gái, những người phụ nữ phải đỏ mặt, ngượng ngùng. Tất cả cũng chỉ để đám đông có những tràng cười vô bổ, thiếu trong sáng và hời hợt chóng qua, trong khi hậu quả để lại thì không hề nhỏ. Đó là sự tổn thương đối với người chơi khi họ hoàn toàn bị động và chịu ép từ đám đông. 

Theo chị Hòa, đa phần các đồng nghiệp của chị, cả nam lẫn nữ đều rất hào hứng và tham gia hết mình nhưng với chị, vì không thích một số trò chơi do thấy không ổn nên đã chủ động từ chối thẳng, dù bạn bè đồng nghiệp hay cả lãnh đạo cũng cố gắng thúc ép tham gia.

"Thiết nghĩ, trò chơi là do bên tổ chức hoặc lãnh đạo công ty tổ chức nhưng cá nhân có quyền từ chối nếu thấy không phù hợp. Nếu vì sợ lãnh đạo không hài lòng khi mình không tham gia mà phải đưa mình vào tình huống tồi tệ thì bản thân bạn không bản lĩnh và năng lực công tác còn có vấn đề nên mới lo sợ những điều vô bổ ấy. Còn nếu sếp đì bạn vì lý do đấy thì chứng tỏ bạn không nên gắn kết mình với một đơn vị có vị lãnh đạo như thế", chị chia sẻ.

Chị Hòa cho rằng, đã đến lúc cộng đồng phải lên tiếng, phải chống trả lại những việc làm phản cảm, vô nghĩa như vậy. Hoạt động sinh hoạt tập thể phải hướng đến những trò chơi có ích trong tinh thần đoàn kết, gắn kết, vui vẻ và sáng tạo, kích thích tính nhân văn và lan tỏa tích cực cho cộng đồng.

Tại anh, tại ả, tại cả hai bên?

Chia sẻ cảm nghĩ sau khi xem clip về một trò chơi team building được đăng tải trên trang facebook, độc giả Hai Phong viết: "Trong trò chơi "bú bình", một người nữ kẹp bình sữa vào nách để một người nam bú, nhìn hình ảnh nhân vật nam nhắm mắt ngấu nghiến bú như tận hưởng, còn nhân vật nữ mặt rạng rỡ với nụ cười mãn nguyện, tôi không nghĩ họ bị miễn cưỡng chút nào mà hoàn toàn tự nguyện. Nếu họ là những người còn độc thân thì có thể không sao, bởi đó là quyền tự do cá nhân họ, nhưng nếu đây là những người mẹ người vợ, người chồng người cha, thì e là sẽ bất ổn khi người thân của họ nhìn thấy hình ảnh trên!

Tôi cho rằng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho bên tổ chức sự kiện mà ở đây là tại anh, tại ả, tại cả 2 bên. Kẻ bày trò chơi và người chơi đồng tình tham gia...".

Kinh hãi trò chơi team building gợi dục đổi lấy những tràng cười vô bổ - 2

Trò chơi "bú bình" đầy phản cảm, dung tục.

Đồng quan điểm, độc giả Linh Linh cho rằng: "Đơn vị tổ chức đâu có quyền buộc mình chơi, do mình thích chơi cơ mà?  Nếu trong lúc chơi, cảm nhận trò chơi này không ổn, thì có hơn 1000 lý do để dừng cơ mà. Nếu không ai chơi thì trò chơi này có tồn tại được không, có cầu thì ắt có cung...

Không hiểu nổi khi có những người tham gia các trò tào lao đó đã là phụ huynh rồi, không biết rồi họ sẽ dạy cho con cái vui chơi như thế nào nữa, mà cũng lạ... tào lao thì cũng vài người thôi chứ sao cả một tập thể cùng tham gia cổ vũ như vậy? Nhìn bà sồn sồn tuổi rồi kẹp bình sữa cho anh thanh niên bú, miệng lại cười vui, thú thật thấy thế nào, không chấp nhận được...".

Ở một góc nhìn khác, độc giả Khánh Huyền cho rằng nếu lãnh đạo cơ quan/doanh nghiệp là người có văn hóa sẽ không bao giờ chấp nhận các hoạt động xúc phạm nhân cách, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình nhân viên của mình.

"Nhiều công ty tổ chức sự kiện thuê MC thiếu hiểu biết về văn hóa, chuẩn mực đạo đức, pháp luật điều hành trò chơi; nhiều lãnh đạo cơ quan, đơn vị cũng mù quáng cổ xúy hoặc buông xuôi hoặc cố tình để nhân viên tham gia. Hệ quả là không mang lại ý nghĩa gắn kết tập thể mà chỉ là mấy trò nhố nhăng nơi công cộng, hơn nữa có thể ảnh hưởng tới uy tín cơ quan, đơn vị và cuộc sống của chính người tham gia trò chơi".

Kinh hãi trò chơi team building gợi dục đổi lấy những tràng cười vô bổ - 3

Trong trò chơi team building ở Cửa Lò hồi tháng 7, một nhóm khách nữ sẵn sàng cởi áo ngực để làm dụng cụ múc nước. Đơn vị tổ chức sự kiện đã bị xử phạt hành chính về hành vi gây mất trật tự (sử dụng loa đài gây ồn ào) tại nơi công cộng.

Câu chuyện về những trò chơi dung tục và nhảm nhí này khiến nhiều người xem kịch liệt lên án, phản đối. Theo những ý kiến này, vấn đề bây giờ là phải tìm một giải pháp khả thi nhằm loại bỏ hoàn toàn cái xấu này ra khỏi xã hội, nhằm khôi phục nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

"Đã đến lúc Bộ Văn hóa phải vào cuộc để khống chế và xử phạt tình trạng thiếu văn hóa, vô đạo đức từ những buổi team building này. Những MC, công ty du lịch hay khu du lịch nếu bày trò dung tục, khi cơ quan chức năng phát hiện cần phải phạt nặng để răn đe và cấm hành nghề vĩnh viễn. Cần phải có biện pháp xử lý để ngăn chặn. Xin đừng để quá muộn", độc giả Tuấn Trần bày tỏ quan điểm.

 "Cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc, trừng phạt các đơn vị tổ chức trò chơi  team building dung tục, phản cảm, kể cả rút giấy phép kinh doanh, phạt nặng những người tham gia trò chơi này", độc giả Hải Lê đề nghị.