1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

13 trẻ mồ côi được "tô hạnh phúc, vẽ tương lai"

Đặng Dương

(Dân trí) - Ngoài số tiền các nhà hảo tâm hỗ trợ, hàng tháng cán bộ xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông tự nguyện đóng góp tiền, chung tay nuôi 13 trẻ mồ côi trên địa bàn.

Chị em sinh đôi H'Huyền và K'Linh (7 tuổi, thôn 2, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong) mồ côi mẹ lúc mới lọt lòng. Bố bị tàn tật bẩm sinh, không có khả năng lao động nên từ lúc sinh ra đến nay, 2 em Huyền và Linh được ông bà nội chăm sóc, nuôi dưỡng.

Ông bà khó khăn, gia đình thiếu đất sản xuất nên cuộc sống của 2 em thiếu thốn đủ bề.

Mới đây, qua rà soát, lập danh sách, chị em H'Huyền và K'Linh cùng 11 trẻ khác được UBND xã Quảng Khê và các nhà hảo tâm nhận đỡ đầu từ tháng 4.

13 trẻ mồ côi được tô hạnh phúc, vẽ tương lai - 1

H'Huyền và K'Linh là một trong số 13 trẻ được UBND xã Quảng Khê nhận đỡ đầu (Ảnh: Đặng Dương).

Số tiền hỗ trợ hàng tháng sẽ được sử dụng để mua quần áo, sách vở và sinh hoạt phí của 2 chị em sinh đôi cho đến khi các em tròn 18 tuổi.

Ông K'Đrim, ông nội của 2 em, cho biết H'Huyền và K'Linh có một người chị gái. Vì mắc bệnh hiểm nghèo, người chị này đã qua đời trong năm 2023. Trước đó, gia đình đã chạy vạy khắp nơi để chữa trị cho cháu, đến nay vẫn chưa trả xong số tiền vay mượn.

Theo ông K'Đrim, số tiền hỗ trợ của UBND xã Quảng Khê và các nhà hảo tâm giúp gia đình vơi đi gánh nặng, động viên 2 cháu H'Huyền và K'Linh vươn lên.

"Khi biết 2 cháu được hỗ trợ, vợ chồng tôi vui mừng lắm. Bây giờ chỉ còn 2 ông bà già đi làm nuôi 5 miệng ăn, khó khăn lắm. Số tiền hỗ trợ hàng tháng giúp các cháu không phải chịu cảnh bữa đói, bữa no nữa", ông K'Đrim nói.

Theo thống kê, trên địa bàn xã Quảng Khê hiện có 67 trẻ mồ côi mẹ, mồ côi cha hoặc mồ côi cả mẹ lẫn cha.

Mới đây, qua rà soát, UBND xã Quảng Khê và các mạnh thường quân quyết định hỗ trợ, đỡ đầu 13 trẻ đến 18 tuổi, với mức hỗ trợ từ 800.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/trẻ/tháng.

Ngoài hỗ trợ bằng tiền mặt, UBND xã Quảng Khê còn lên kế hoạch kết nối, vận động hỗ trợ thêm nhu yếu phẩm, dụng cụ học tập để các cháu đến trường.

Với tinh thần chia sẻ khó khăn, động viên các cháu vươn lên, chính quyền địa phương kỳ vọng, mô hình này sẽ góp phần thay đổi cuộc sống của những số phận bất hạnh.

Chị Nguyễn Thị Uyên, cán bộ UBND xã Quảng Khê cho biết: "Mặc dù mới được triển khai thực hiện nhưng mô hình nhận đỡ đầu trẻ mồ côi nhận được sự tham gia tích cực của đông đảo cán bộ, công chức UBND xã Quảng Khê. Hàng tháng, chúng tôi đều tự nguyện đóng góp một số tiền nhỏ để mô hình ngày càng lớn mạnh, lan tỏa đến nhiều hoàn cảnh khó khăn.

13 trẻ mồ côi được tô hạnh phúc, vẽ tương lai - 2

Hàng tháng, cán bộ xã Quảng Khê đều tự nguyện đóng góp một số tiền nhỏ (Ảnh: Đặng Dương).

Chia sẻ về mô hình, bà Lý Thị Nhường, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Quảng Khê, cho biết các hoàn cảnh được hỗ trợ đều là những trường hợp đặc biệt khó khăn và có nguy cơ phải nghỉ học giữa chừng.

Để lan tỏa mô hình này, chính cán bộ, đảng viên của xã Quảng Khê sẽ chủ động đi đầu, tự nguyện đóng góp tiền hoặc nhu yếu phẩm. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng phân công cán bộ thực hiện chương trình, bảo đảm nguyên tắc công bằng, công khai và trách nhiệm.

"Với chủ đề "Tô hạnh phúc - Vẽ tương lai", chúng tôi mong rằng thời gian tới, không chỉ dừng lại ở 13 trẻ được nhận đỡ đầu mà mọi trẻ em thiếu may mắn trên địa bàn đều có sự hỗ trợ phù hợp", bà Nhường nói thêm.